Một báo cáo sắp công bố của Ủy ban Đánh giá An ninh - Kinh tế Mỹ - Trung thuộc quốc hội Mỹ cảnh báo nguy cơ xung đột vũ trang ở biển Đông, đe dọa ổn định khu vực, nền kinh tế toàn cầu và có thể lôi kéo sự can dự của Mỹ.
Báo cáo nhấn mạnh việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo xây trái phép ở biển Đông là nhằm thách thức khả năng quân đội Mỹ tự do hoạt động tại khu vực. Theo báo cáo, Trung Quốc còn muốn thông qua việc kiểm soát biển Đông để cản trở nỗ lực bảo vệ Đài Loan của Hải quân Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột.
Cảnh báo trên càng có cơ sở sau khi xuất hiện thông tin chính quyền Tổng thống Barack Obama cho phép Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương đưa tàu chiến vào vùng 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo. Đáp lại, báo chí thông tin Trung Quốc đe dọa sẽ điều động tàu chiến nếu tàu Mỹ xâm nhập “vùng cấm địa”. “Trung Quốc không bao giờ chấp nhận bất cứ hành vi khiêu khích quân sự hoặc sự xâm phạm chủ quyền từ phía Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác” - Tân Hoa Xã tuyên bố.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ đến căn cứ hải quân Yokosuda (Nhật Bản) hôm 1-10
Ảnh: US NAVY
Theo trang Asia Times, chính quyền ông Obama nhiều tháng nay chịu sức ép từ Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, về việc bật đèn xanh cho động thái trên.
Lo ngại phản ứng yếu ớt trước yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc ở biển Đông sẽ bị hiểu sai là sự im lặng đồng tình, ông Harris không ngừng thúc giục Washington chống lại mưu đồ độc chiếm tuyến đường thủy quốc tế quan trọng này của Trung Quốc.
Khẳng định lập trường cứng rắn của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter tuyên bố tàu, máy bay nước này sẽ hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng, Trung Quốc vừa tổ chức một chuyến tham quan Liêu Ninh, tàu sân bay duy nhất của nước này, dành cho sĩ quan thuộc Hải quân Mỹ. Theo AP, 27 sĩ quan Mỹ đã lên tàu Liêu Ninh và đến thăm một học viện tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc trong ngày 19 và 20-10. Hai bên cũng thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có huấn luyện nhân sự và chiến lược phát triển tàu sân bay.
Trong khi đó, theo báo The Jakarta Post, Indonesia hôm 19-10 quyết định không tham gia bất kỳ hoạt động quân sự chung nào ở biển Đông với lý do muốn duy trì an ninh và ổn định tại vùng biển này. “Chính phủ Indonesia khuyến khích quân đội duy trì an ninh và tạo dựng ổn định ở khu vực biển Đông” - ông Gatot Nurmantyo, Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Indonesia, khẳng định.
Phát ngôn viên quân đội Indonesia, tướng Tatang Sulaiman nói thêm những hoạt động quân sự đề cập ở trên bao gồm các cuộc tập trận, tuần tra chung và bất kỳ hoạt động nào khác liên quan tới quân đội.
Quyết định trên đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn vào tuần rồi tuyên bố sẵn sàng tập trận chung với các quốc gia ASEAN ở biển Đông - một động thái được cho là nhằm xoa dịu căng thẳng.
Ông Andi Widjajanto, một nhà quan sát quân sự, hoan nghênh việc Indonesia bác bỏ ý tưởng “nhạy cảm” của Trung Quốc. Theo ông Andi, Indonesia cần thận trọng để tránh gây ra bất kỳ rắc rối nào trong tương lai cũng như nên góp phần làm giảm nguy cơ xung đột trong khu vực.
Bình luận (0)