Chuyên gia Frederic Neumann của Tập đoàn tài chính đa quốc gia HSBC (Anh) hôm 8-8 nói với đài CNBC rằng châu Âu là thị trường lớn của các nhà xuất khẩu châu Á nhưng nhu cầu tại đó đang giảm, nhất là Đức. Theo ông Neumann, tăng trưởng kinh tế chậm lại tại châu Âu và Mỹ sẽ gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu châu Á.
Sức ép cũng gia tăng khi kinh tế Trung Quốc gặp vấn đề. Dữ liệu cho thấy nhu cầu suy yếu và không loại trừ khả năng xảy ra suy thoái thương mại ở Trung Quốc. Vào tuần trước, Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã giảm từ mức 50,2 trong tháng 6 xuống 49 trong tháng 7.
Một cảng container tại TP Oakland - Mỹ hôm 22-7 Ảnh: Reuters
Chỉ số trên 50 cho thấy sự tăng trưởng, trong khi dưới 50 cho thấy sự suy giảm. Ngoài ra, kinh tế nước này trong quý II/2022 chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu quan trọng của nhiều nước châu Á. Do đó, sự suy giảm của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ tác động tổng thể đến toàn khu vực.
Theo ông Neumann, châu Á đặc biệt phụ thuộc vào các nền kinh tế sản xuất toàn cầu như Hàn Quốc, Nhật Bản… và những nền kinh tế này chịu tác động của nhu cầu sản xuất toàn cầu. Chính vì vậy, nhu cầu chậm lại ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc lập tức khiến tốc độ tăng trưởng ở châu Á chậm lại theo.
Ngoài ra, lạm phát lõi ở khu vực vẫn ở mức cao, một phần do tác động của tiền lương và sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Theo ông Neumann, điều này có thể làm tăng áp lực về giá, từ đó gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu ở châu Á.
Bình luận (0)