Trong khi tư tưởng mới của ông Tập sẽ là kim chỉ nam cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) trong thời gian tới sau Đại hội XIX CPC thì Thủ tướng Abe trên đà trở thành lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất và tại nhiệm lâu nhất ở Nhật kể từ kết thúc Thế chiến II sau khi liên minh Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông giành thắng lợi áp đảo tại Hạ viện.
Thế nhưng, theo báo The South China Morning Post, chiến thắng về chính trị đó không hẳn giúp hòa giải mối quan hệ căng thẳng giữa 2 bên. Thay vì vậy, thực tế đó lại phủ mờ thêm mối quan hệ trong tương lai giữa 2 nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới.
Kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2012, hai nhà lãnh đạo đã vướng vào tình trạng căng thẳng về ngoại giao ngày càng tăng khiến cho mối quan hệ Trung - Nhật xuống mức thấp nhất kể từ khi quan hệ ngoại giao được thiết lập vào năm 1972. Thậm chí, mối lo xảy ra đụng độ quân sự đã gia tăng trong mấy năm gần đây, cả hai nước đều điều động chiến hạm và chiến đấu cơ trong khu vực lân cận quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông (Senkaku/Điếu Ngư). Cả hai vị đều được biết đến về lập trường cứng rắn đối với các vấn đề liên quan đến quyền lợi cơ bản của nhau như: cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, lịch sử chiến tranh, tự do hàng hải ở biển Đông hoặc chỉ đơn giản là cạnh tranh tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên toàn cầu.
Nổi lên ở 2 hệ thống chính trị khác nhau nhưng 2 ông đều có những điểm tương đồng về nhân thân, cá tính và quan điểm chính trị. Cả hai đều là con của chính trị gia hàng đầu; cùng mang tham vọng về chính trị nhưng bảo thủ về ý thức hệ; họ đều theo dân tộc chủ nghĩa nhưng quyết đoán về chính sách đối ngoại; đều yêu nước và tìm cách "trẻ hóa" đất nước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong một cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20. Ảnh: KYODO
Tuy nhiên, nghịch lý là những điểm tương đồng của họ lại làm trầm trọng thêm sự ganh đua hơn là thu hẹp khoảng cách. Thêm quyền lực chính trị cũng được cho là sẽ chỉ khuyến khích họ thúc đẩy chương trình nghị sự táo bạo có thể đem lại hệ quả có ảnh hưởng sâu rộng đối với mối quan hệ song phương, hòa bình trong khu vực và trên toàn cầu.
Thứ nhất, cả hai quốc gia đều dự kiến tăng cường nỗ lực xây dựng tầm ảnh hưởng về kinh tế và chính trị cũng như gia tăng quyền lực mềm khắp thế giới.
Thứ hai, Tokyo sẽ củng cố mối quan hệ quân sự với Mỹ nhằm kiềm chế hoạt động ngày càng tăng của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Thứ ba, cả hai nhà lãnh đạo đều có thể củng cố lập trường về Triều Tiên. Sự kiện ông Abe tái đắc cử hứa hẹn cho thấy Nhật Bản sẽ đóng vai trò tiên phong trong việc hỗ trợ bất cứ hành động quân sự nào của Mỹ trong khi Trung Quốc phản đối.
Thứ tư, với "siêu đa số" ghế tại quốc hội, ông Abe sẽ có thể đưa ra những thay đổi đối với bản Hiến pháp nhằm hợp pháp hóa lực lượng phòng vệ nước này - điều cũng được xem là đã khiến Bắc Kinh không hài lòng.
Thứ năm, đối mặt với sự mở rộng quân sự nhanh chóng của Trung Quốc, ông Abe có thể thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân - một lằn ranh đỏ khác nữa đối với các đối thủ cạnh tranh trong nước và khu vực.
Trong tình hình đó, chế ngự các lợi ích của Trung Quốc và Nhật Bản và làm cho 2 nhà lãnh đạo này cùng tồn tại hòa bình chắc chắn sẽ là thách thức to lớn của nền ngoại giao toàn cầu trong những năm tới.
Bình luận (0)