xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những người hùng châu Á

Văn Anh (Theo Time)

Họ là những người hy sinh hạnh phúc cá nhân vì công lý và lợi ích cộng đồng thuộc lứa tuổi 30. Tuần báo Time tuần này tôn vinh họ là những người châu Á anh hùng. Dưới đây là 3 tấm gương tiêu biểu

Không chịu khuất phục.- Mukhtar Mai, 30 tuổi, là một phụ nữ Pakistan bất hạnh sống tại Meervela, một thôn ấp hẻo lánh. Ở một xứ sở mà phụ nữ cam chịu những nỗi đắng cay vì tệ bạo hành phụ nữ xảy ra nhan nhản khắp nơi mà không dám kêu ca, Mai là một trường hợp hi hữu dám chống lại những luật lệ khắc nghiệt của bộ tộc để đòi quyền công bằng trước pháp luật.

Nỗi bất hạnh đổ ập xuống cuộc đời của Mai vào một ngày tháng 6-2002, theo phán quyết của tòa án làng, Jirga theo tiếng địa phương, Mai bị 4 thanh niên tình nguyện công khai cưỡng hiếp tập thể. Thật ra bản thân Mai không phạm vào tội gì. Mai bị trừng phạt vì em trai của Mai là Abdul Shakoor, 12 tuổi, bị người trong làng thấy đi cùng với một cô gái thuộc bộ tộc Mastoi có thế lực hơn bộ tộc của Mai và như thế là có tội! Bộ tộc Mastoi yêu cầu chị của Shakoor phải chịu hình phạt cưỡng hiếp tập thể để “trả lại vinh dự” (?!) cho họ.

Cả gia đình chị Mai bất lực nhìn chị bị lôi vào phòng để thi hành án bất chấp những lời van khóc xin khoan hồng của Mai. Nhằm răn đe và cảnh cáo những kẻ dám chống lại quyền lực của bộ tộc Mastoi, Mai còn bị dẫn đi khắp làng trong tư thế trần truồng trước hàng trăm cặp mắt kinh hãi.

Chủ nghĩa anh hùng: “Chủ nghĩa anh hùng, trong mọi thời đại, là sự kết hợp lý tưởng và tình cờ”. (Cựu Tổng thống Philippines Corazon Aquino)

Trường hợp của Mai không phải là cá biệt ở Pakistan. Theo Ủy ban Nhân quyền Pakistan, trong 7 tháng đầu năm 2004, có ít nhất 151 phụ nữ bị cưỡng hiếp tập thể và ít nhất 151 phụ nữ bị giết nhân danh “danh dự”. Hầu hết thủ phạm không bị trừng phạt.

Nhưng Mai có lẽ là người phụ nữ đầu tiên ở Pakistan không chịu đầu hàng số phận. Chị tuyên bố “thà chết trong tay những tên cầm thú đó chớ không chịu từ bỏ quyền được đối xử công bằng trước pháp luật”. Mặc dù bị hăm dọa đủ điều, chị kiên quyết theo đuổi vụ kiện đến cùng và chị đã thắng.

Những tên tham gia làm nhục chị đã bị trừng phạt, hai tên lãnh án tử hình. Chính phủ Pakistan bồi thường cho chị một số tiền lớn, chị dùng số tiền này để xây một trường học ngay tại làng mình ở vì chị tin rằng học văn hóa có thể xóa bỏ được tội ác làm nhục tập thể phụ nữ vì “danh dự”.

Thay đổi bộ mặt công quyền.- Gautam Goswami, 38 tuổi, là thẩm phán vùng - quan chức chính quyền cao cấp nhất - ở Patna, thủ phủ bang Bihar (Ấn Độ). Tháng 7 vừa qua, bang này trải qua một trận lũ quét tồi tệ nhất khiến hàng triệu dân phải di dời trong hoàn cảnh thiếu thốn lương thực, nước sạch và thuốc men.

img
Butet Manurung

Bức xúc trước sự khổ đau của dân chúng, Goswami đứng ra điều phối các lực lượng cứu trợ từ các nguồn như quân đội, chính phủ và các cơ quan cứu trợ quốc tế. Hằng ngày, từ 4 giờ 30 phút sáng, Goswami ra kho hàng sân bay, giám sát từng chiếc trực thăng chở lương thực, nước ngọt, lều trại và thuốc men cất cánh. Anh cũng kiểm tra từng chiếc xe tải chở hàng cứu trợ bằng đường bộ xem có đến nơi an toàn không. Goswami và những cộng sự làm việc không ngơi nghỉ suốt cả tháng cho đến khi hết lũ và dân chúng trở về nhà an toàn.

Ở một nơi nào khác, những công việc của Goswami được coi là bình thường. Nhưng Bihar là bang nghèo nhất và một trong những bang bạo lực nhất ở Ấn Độ. Nhiều người cho rằng vùng đất dữ đầy những băng đảng tội phạm và lực lượng vô chính phủ này là “hết thuốc chữa”. Goswami không nghĩ như thế và anh cố gắng chứng minh suy nghĩ của mình là đúng.

Patna từng trải qua 3 cuộc bầu cử lập pháp bị hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ kết quả vì bạo lực hoặc gian lận. Khi Goswami được giao trách nhiệm tổ chức bầu cử năm 1999 và năm 2004, anh cho lập các chướng ngại vật và trạm kiểm soát khắp Patna, nhờ vậy ngăn chặn được những tay súng đi xe hơi vào thành phố gây rối. Anh cũng cho lắp đặt các đường dây điện thoại nóng để cử tri có thể khiếu nại gian lận. Do đó, Patna có được hai mùa bầu cử công bằng và an ninh nhất.

Trong một xã hội mà công chức thường bị gán cho cái tội tham nhũng và bất lực, Goswami muốn chứng minh rằng có thể xóa bỏ hình ảnh tiêu cực đó bằng luật pháp. Ở Patna, anh là người nổi tiếng nhất về mặt này.

Sống cùng “Người Rừng”.- Butet Manurung, 32 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Jakarta, thủ đô nước Indonesia. Từ nhiều năm nay, chị vẫn giữ nếp sống trong rừng Jambi, thuộc đảo Sumatra, 9 tháng một năm. Mục đích của chị không phải là cứu rừng như ước nguyện ban đầu khi chị làm việc cho một tổ chức phi chính phủ (NGO) quan tâm đến vấn đề bảo vệ rừng ở Indonesia.

Mục đích của chị Manurung là bảo vệ sự sinh tồn của bộ tộc Orang Rimba, có nghĩa là “Người Rừng”, đang sống trong rừng Jambi bằng cách sống chung với họ. Bộ tộc này chỉ có vài trăm người, chuyên sống du canh du cư. Người Rừng mặc khố, sống bằng nghề đi săn heo rừng, nai, rắn và ở nhà tranh. Trước đây, Người Rừng sống như người tiền sử, ít tiếp xúc với văn minh thành thị. Trong mấy năm gần đây, cuộc sống của họ bị đe dọa nghiêm trọng bởi cuộc sống hiện đại.

img
Mukhtar Mai và em trai (đứng sau)

Manurung từng huấn luyện Người Rừng giúp một tổ chức NGO theo dõi bọn phá rừng trộm gỗ. Làm một thời gian, chị bỏ việc vì cảm thấy chương trình bảo vệ rừng của chính phủ và các tổ chức NGO không đi đến đâu. Chị thường tâm sự: “Làm người bảo vệ rừng chẳng có ý nghĩa gì vì với những gì đang diễn ra, trong vòng 20 năm nữa rừng sẽ biến mất. Tôi muốn là một người thực tế, không hề lãng mạn”.

Thế là chị mở lớp học dạy Người Rừng đọc, viết và đếm bằng tiếng mẹ đẻ của họ, một ngôn ngữ Mã Lai cổ. Bộ tộc nguyên sơ này từng bị những tên lâm tặc và một số dân làng Indonesia lừa đảo dụ họ ký những văn bản mà họ không biết đọc bằng cách điểm chỉ để có cớ đuổi họ ra khỏi nơi sinh sống cũ. Những gì chị Manurung dạy là một công cụ mạnh mẽ giúp họ tự bảo vệ. Nếu mù chữ, họ sẽ trở thành ăn mày hoặc cu li một khi họ không còn đất rừng để sống. Hiện nay, Manurung đang đào tạo 14 giáo viên mới để tiếp sức với chị.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo