Trước khi Nga mở chiến dịch không kích tại Syria vào ngày 30-9-2015, cái ghế của Tổng thống Assad lung lay dữ dội bởi hàng loạt cường quốc phương Tây khẳng định “ông Assad từ chức” là giải pháp duy nhất cho cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm ở quốc gia Trung Đông này.
Tuy nhiên, với sự can thiệp kịp thời của Nga và Iran, lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad đã tái chiếm nhiều vùng lãnh thổ từ các nhóm phiến quân người Sunni cũng như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Dù các chuyên gia nghi ngờ về khả năng tái kiểm soát toàn bộ đất nước của nhà lãnh đạo Syria nhưng họ cũng đặt câu hỏi về việc Moscow có thực sự buộc ông ra đi hay không.
"Người Nga đã định hình lại cuộc chiến Syria. Phe đối lập đã mất ưu thế" - chuyên gia Kheder Khaddour của Trung tâm Carnegie Trung Đông, nhận xét. Giờ đây, thay cho "chính quyền chuyển tiếp" mà Mỹ và đồng minh thường kêu gọi là một mô hình chính phủ mở rộng với sự tham gia của phe nổi dậy nhưng ông Assad vẫn đứng đầu trong tương lai gần. Ông Fawaz Gerges, tác giả quyển "ISIS: Một lịch sử", đánh giá: "Nga đang trên cơ và Mỹ phải chạy theo Nga trong việc tìm giải pháp cho cuộc xung đột Syria".
Tuy nhiên, nhà bình luận hàng đầu từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Faisal al-Yafai, cho rằng Nga đã “chơi ván bài của mình ở Syria rất khéo léo nhưng lại rút nhầm một quân”. “Họ nghĩ rằng một khi chế độ Assad cảm thấy an toàn, sẽ là thời điểm thích hợp để tiến hành thương lượng. Trên thực tế, điều ngược lại đã xảy ra” – ông Al-Yafai nói về cục diện hiện tại.
Theo nhà bình luận kỳ cựu này, có hai lựa chọn cho Tổng thống Assad: ở lại hoặc ra đi. Dĩ nhiên với tình hình bây giờ, khi cán cân quyền lực đang nghiêng về phía nhà lãnh đạo Syria, ông Assad sẽ không dễ dàng rút lui. Đặc biệt trong các cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva – Thụy Sĩ vào tuần tới, ông Assad được cho là đang chiếm thế thượng phong trước phe đối lập.
"Sức ép của Nga lên ông Assad cũng có giới hạn. Assad nhất định sẽ không ra đi lặng lẽ"- ông Al-Yafai nói.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford cũng đồng ý Nga không thể buộc ông Assad từ chức. "Assad đang tự tin trở lại. Moscow đã giúp ông ta quá nhiều, nhờ đó ông ta có thể duy trì quyền kiểm soát ở nhiều thành phố trọng điểm" - ông Ford nói, đồng thời lưu ý sự cạnh tranh của Nga và Iran trong vấn đề Syria.
Tuy cùng là đồng minh của Assad nhưng Moscow chú trọng các mối quan hệ truyền thống với quân đội Syria, còn Tehran tập trung củng cố mạng lưới lực lượng mà họ thiết lập cùng nhóm Hezbollah. Cựu đại sứ Mỹ nhận xét: "Assad thừa thông minh để dùng nước này đối trọng nước kia. Thậm chí tôi cho rằng Nga không dại gì thử đọ sức với Iran ở Damascus. Người Nga biết họ có thể thua".
Với việc cả Nga lẫn Iran đều khó chế ngự một Assad đang "hồi sinh", ít người tin rằng hòa đàm Geneva sẽ thành công.
Bình luận (0)