xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nước Mỹ sẽ về đâu?

Hoàng Phương - Mỹ Nhung

Sau khi nhậm chức tổng thống Mỹ, bà Hillary Clinton hoặc ông Donald Trump sẽ dẫn dắt cường quốc này đi theo con đường rất riêng của mình

Cử tri Mỹ ngày 8-11 đã chính thức bỏ phiếu lựa chọn giữa 2 ứng viên tổng thống bộc lộ nhiều quan điểm khác biệt về chính sách trong chiến dịch tranh cử “phi truyền thống” kéo dài 17 tháng qua. Đến cuối ngày bầu cử (giờ địa phương), những ai quan tâm nhiều khả năng biết được nền kinh tế lớn nhất thế giới này đi theo hướng nào dưới sự lèo lái của tổng thống mới.

Điểm chung hiếm hoi

Theo tờ The Washington Post, sự tương phản về chính sách giữa ứng viên Hillary Clinton của Đảng Dân chủ và đối thủ Donald Trump của Đảng Cộng hòa thể hiện rõ trên nhiều lĩnh vực.

Về nhập cư, tỉ phú Trump ban đầu nhấn mạnh mọi người nhập cư đang sống trái phép ở Mỹ phải bị trục xuất - ước tính 10,9 triệu trường hợp. Sau đó, ông nói sẽ ưu tiên trục xuất những người nhập cư trái phép từng phạm pháp. Chưa hết, ông còn đề xuất những biện pháp gây tranh cãi khác như xây bức tường dọc biên giới với Mexico, cấm bất kỳ người Hồi giáo nào không phải người Mỹ nhập cảnh... Trái lại, bà Clinton ủng hộ chính sách cho phép người nhập cư trái phép cuối cùng trở thành công dân Mỹ, đồng thời xem cải cách nhập cư toàn diện là ưu tiên hàng đầu ngay sau khi nắm quyền.

Hai ứng viên cũng có hướng tiếp cận khác biệt đối với chính sách thuế. Trong lúc tỉ phú Trump chủ trương giảm thuế (chủ yếu có lợi cho các gia đình giàu có) thì bà Clinton cho biết sẽ tăng thuế đối với người giàu và doanh nghiệp. Ngoài ra, nếu ông Trump thắng cử, số phận Đạo luật Chăm sóc sức khỏe vừa túi tiền chắc chắn sẽ bị đe dọa bởi đây là “cái gai” trong mắt Đảng Cộng hòa Mỹ thời gian qua. Trái lại, bà Clinton sẽ mở rộng chương trình cải tổ chăm sóc y tế này của ông Obama (còn gọi là Obamacare).

Cử tri bỏ phiếu tại TP New York - Mỹ hôm 8-11 Ảnh: AP
Cử tri bỏ phiếu tại TP New York - Mỹ hôm 8-11 Ảnh: AP

Về biến đổi khí hậu, ông Trump hứa sẽ xé bỏ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu nhằm hạn chế khí thải carbon. Trong nước, ông có thể trì hoãn hoặc bãi bỏ những quy định đang được chính quyền ông Obama thực thi để kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trái lại, bà Clinton sẽ tiếp tục phần lớn chính sách năng lượng của ông Obama, cũng như ủng hộ các biện pháp đối phó biến đổi khí hậu.

Điểm chung hiếm hoi của 2 đối thủ này là nỗi lo về thương mại quốc tế. Cả bà Clinton và ông Trump đều phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông Obama đang thúc đẩy. Tuy nhiên, ông Trump còn đi xa hơn khi cam kết tái thương thảo về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ với Canada và Mexico, dọa đánh thuế trừng phạt lên các mặt hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại của Mỹ… Điều đáng nói là một số chuyên gia cảnh báo những chính sách kinh tế của ông Trump có nguy cơ khiến đất nước rơi vào suy thoái và làm gia tăng tỉ lệ thất nghiệp.

Quan hệ đồng minh sẽ ra sao?

Bất chấp tỉ phú Trump hay “nói lại”, có thể thấy rõ chính sách đối ngoại của ông và bà Clinton khác nhau một trời một vực. Trong khi ứng viên Dân chủ khẳng định vai trò của Mỹ là bảo vệ trật tự an ninh toàn cầu (mà Mỹ cũng được hưởng lợi) thì gương mặt đại diện Đảng Cộng hòa đề cao tôn chỉ “Nước Mỹ là trên hết” và đe dọa rút Washington khỏi các cam kết an ninh toàn cầu.

Theo đài BBC (Anh), ông Trump đang đo đếm đồng minh bằng lợi ích kinh tế. Tờ The Guardian (Anh) đánh giá nếu ông Trump thành tổng thống Mỹ, Washington sẽ chứng kiến một cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại, đẩy thế giới đứng trước nguy cơ lớn nhất kể từ Thế chiến II. Một số người còn tin rằng nhiều nhà ngoại giao, tướng lĩnh Mỹ sẽ từ chức hàng loạt nếu ông Trump đắc cử và biến các dự định của mình thành chính sách.


Bà Hillary Clinton chào người ủng hộ bên ngoài phòng phiếu ở TP New York hôm 8-11. Ảnh: Reuters

Bà Hillary Clinton chào người ủng hộ bên ngoài phòng phiếu ở TP New York hôm 8-11. Ảnh: Reuters

Không phải ngẫu nhiên mà gần đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói thẳng ông sẽ thăm Mỹ sớm nếu bà Clinton trở thành chủ nhân Nhà Trắng nhưng chưa chắc sẽ làm vậy trong trường hợp ông Trump chiến thắng. Bà Clinton luôn cam kết không bỏ rơi Nhật Bản và Hàn Quốc trước mối đe dọa từ Triều Tiên. Ngược lại, ông Trump xem nhẹ liên minh quân sự quan trọng ở châu Á này khi tuyên bố Tokyo và Seoul nên phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ thay vì núp dưới “chiếc ô” của Mỹ.

Quan điểm này có thể châm ngòi chạy đua vũ khí hạt nhân tại Đông Bắc Á rồi lan ra rộng hơn, đến một lúc nào đó sẽ đánh ngược trở lại Mỹ trong hình hài của tên lửa tầm xa Triều Tiên, theo Guardian. Nhưng có vẻ tỉ phú Trump không hề e ngại kịch bản này. Ông từng nói “sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Mỹ” và nếu không thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, ông ám chỉ sẽ dùng tới kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Ngoài Nhật Bản, một số đối tác của Washington ở châu Á (nhất là Đông Nam Á) sẽ băn khoăn trước chính sách của chính phủ Mỹ mới trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong khi bà Clinton nhiều khả năng kế tục chính sách “xoay trục” sang châu Á của Tổng thống Barack Obama thì tỉ phú Trump quan tâm nhiều hơn đến quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc. Dù ông Trump nhiều lần lên án Trung Quốc xuất khẩu ồ ạt và thao túng tiền tệ nhưng không có gì chắc chắn “tổng thống Trump” sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch tự do hàng hải để ngăn Trung Quốc độc chiếm biển Đông.


Tỉ phú Donald Trump bỏ phiếu tại TP New York hôm 8-11. Ảnh: Reuters

Tỉ phú Donald Trump bỏ phiếu tại TP New York hôm 8-11. Ảnh: Reuters

Lo lắng không kém là Liên minh châu Âu (EU) và NATO. Ông Trump chê NATO lỗi thời và nói sẽ kiểm tra xem những thành viên NATO, như các nước Baltic, “có thực hiện cam kết với Mỹ chưa” trước khi ra tay bảo vệ họ (trước một cuộc tấn công của Nga). Tuy nhiên, ngay cả khi bà Clinton chiến thắng, lục địa già cũng không thể thở phào trọn vẹn. Dù nhấn mạnh NATO là “một trong những khoản đầu tư tốt nhất của Mỹ”, bà Clinton cũng muốn châu Âu chia sẻ gánh nặng nhiều hơn.

Châu Âu cũng rất căng thẳng chờ xem quan hệ Nga - Mỹ đi theo ngã rẽ nào. Bà Clinton không hề che giấu quan điểm đối đầu với Tổng thống Nga Vladimir Putin, từ cuộc chiến Syria đến xung đột Ukraine. Ngược lại, ông Trump mở rộng cửa hợp tác với ông Putin và Tổng thống Syria Bashar al-Assad để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo Guardian, chính sách này của ông Trump sẽ bị các đồng minh Ả Rập của Mỹ - vốn khó chịu với lời kêu gọi cấm cửa người Hồi giáo do tỉ phú Mỹ đưa ra - xem là sự phản bội.

Cuộc bầu cử cực kỳ căng thẳng

Chính quyền các bang, chuyên gia bầu cử và người dân khắp nước Mỹ bước vào ngày bầu cử với tâm trạng lo lắng về nguy cơ xảy ra hỗn loạn. Nỗi lo này không phải không có cơ sở khi hàng loạt đơn từ phe Dân chủ đã kiện người ủng hộ tỉ phú Trump hăm dọa cử tri ủng hộ đối thủ Clinton.

Các nhà quan sát bầu cử đặc biệt lo ngại tình trạng cử tri bị đe dọa sau khi ông Trump công khai kêu gọi người ủng hộ đổ về các điểm bỏ phiếu giám sát gian lận. Tờ The Washington Post viết nguy cơ đó khiến các nhà chức trách bầu cử ở 2 bang Pennsylvania và Arizona lo sốt vó, đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn như tạo vùng đệm an toàn, cấm một số hành vi dọa dẫm trong khu vực bầu cử…

Vấn đề an ninh đặc biệt được chú trọng tại TP New York, nơi 2 ứng viên cùng có mặt trong ngày bầu cử - điều xảy ra lần đầu tiên từ năm 1944 - và lên kế hoạch tổ chức tiệc vào đêm đó. Điều đáng nói là địa điểm tổ chức 2 buổi tiệc này đều ở khu trung tâm Manhattan, chỉ cách nhau gần 2,5 km.

Ít nhất 5.000 cảnh sát đã được triển khai khắp New York trong ngày bầu cử - con số lớn nhất từ trước tới giờ. Những địa điểm khác được nhà chức trách để mắt đến là Quảng trường Thời đại - nơi đám đông tập trung xem kết quả bầu cử và Tòa nhà Trump Tower cao 58 tầng - nơi nhiều người tập trung bày tỏ sự ủng hộ hoặc phản đối ứng viên Đảng Cộng hòa.

Một mối đe dọa lớn không kém là nguy cơ tấn công từ tổ chức khủng bố al-Qaeda và hành động phá hoại của tin tặc. Kênh NBC News (Mỹ) dẫn một số nguồn tin chính phủ cho biết Washington đã tiến hành những biện pháp chưa từng có tiền lệ để bảo vệ cuộc bầu cử trước các vụ tấn công mạng. Các trung tâm mạng tại Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và nhiều bộ được đặt trong tình trạng báo động cao, bổ sung nhân viên để sẵn sàng ứng phó bất kỳ mối đe dọa nào.

Huệ Bình

Quá nhiều thách thức đang chờ

Tổng thống Mỹ thứ 45 sẽ không có nhiều thời gian để ăn mừng chiến thắng bởi danh sách dài những thách thức đang chờ đợi.

Tại châu Á, Trung Quốc đang tăng cường quân sự hóa trên biển Đông thông qua chương trình xây dựng đảo nhân tạo trái phép, qua đó thách thức vị thế của Mỹ. Tổng thống Mỹ kế tiếp cũng phải củng cố mối quan hệ với các đồng minh ở châu Á khi Hàn Quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị, còn Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang kết thân với Bắc Kinh. Một thách thức nữa ở châu Á chính là Triều Tiên, nơi nhà lãnh đạo khó đoán Kim Jong-un đang cải thiện kho vũ khí hạt nhân với mức độ báo động.

Bên cạnh đó, mối quan hệ Nga - Mỹ leo thang căng thẳng cao độ, thể hiện ở sự xung đột tại Syria và Ukraine. Thậm chí, Moscow đang triển khai tên lửa hạt nhân ngay cửa ngõ của NATO, còn Mỹ đưa thêm lực lượng đến Đông Âu.

Mớ hỗn độn ở Trung Đông cũng sẽ khiến tân tổng thống Mỹ đau đầu không kém. Ông Mark Dubowitz, giám đốc điều hành Quỹ Bảo vệ Các nền dân chủ, cho rằng chính quyền mới ở Mỹ sẽ phải chuẩn bị đối phó những thách thức mạnh mẽ từ Iran trong khi vẫn phải bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với nước này trước “mũi dùi” của Israel và các đồng minh Ả Rập khác.

Ngoài ra, kênh Fox News nhận định giữ gìn nước Mỹ được an toàn trong thời điểm này là thách thức lớn nhất của tân tổng thống Mỹ. Theo đó, vị này sẽ đối mặt tình hình an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại phức tạp nhất từ trước đến giờ trong bối cảnh chi tiêu quốc phòng của Mỹ đã giảm từ mức chiếm 52,2% ngân sách liên bang năm 1960 xuống khoảng 16% hiện nay.

Trong khi mối đe dọa thánh chiến toàn cầu, mà lớn nhất hiện nay đến từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, chưa bị chặn đứng hiệu quả, nhà bình luận Van Hipp cho rằng tân tổng tư lệnh của Mỹ sẽ phải đối mặt một quân đội “rỗng ruột”, không thực lực: Bộ binh bị cắt giảm xuống mức trước thế chiến II, lực lượng hải quân khiêm tốn nhất kể từ Thế chiến I, không quân teo tóp và già nua nhất lịch sử Mỹ.

Lục San

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo