Sau nhiều tuần bác bỏ đề nghị đối thoại, ông Suthep bất ngờ tuyên bố: “Hãy cho tôi biết thời gian và địa điểm. Cuộc đối thoại phải được truyền hình trực tiếp để người dân có thể theo dõi”.
Vài giờ sau, bà Yingluck phản ứng lạnh nhạt. “Cuộc đàm phán có nằm trong khuôn khổ hiến pháp không? Nếu không, vấn đề sẽ không được giải quyết” - bà nói, đồng thời khẳng định điều mà người dân mong muốn là các cuộc biểu tình chấm dứt.
Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra được chào đón nồng nhiệt ở Chiang Mai hôm 27-2
Ảnh: Bangkok Post
Cùng ngày, bà Yingluck không trình diện Ủy ban Chống tham nhũng (NACC) để trả lời chất vấn về chính sách trợ giá gạo bị chỉ trích. Bà cử nhóm pháp lý thay mặt trong khi tiếp tục ngày công cán thứ hai ở các tỉnh phía Bắc.
Trong lúc này, bạo lực tiếp tục leo thang ở thủ đô Bangkok, tô đậm những lo ngại về nguy cơ nội chiến. Theo báo Bangkok Post, đài truyền hình PBS cùng Trung tâm Duy trì hòa bình và trật tự (CMPO) có trụ sở ở quận Laksi phải hứng 3 quả đạn M79 trong đêm 26-2 nhưng không có thương vong. Đây là lần đầu tiên một cơ quan của chính phủ bị tấn công sau hàng loạt vụ nhắm vào các khu vực biểu tình của PDRC.
Một nguồn tin cho biết Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha đã yêu cầu các chỉ huy đơn vị xem xét trang bị vũ khí cho binh sĩ bảo vệ an ninh tại Bangkok. Trong khi đó, CMPO khuyến cáo người dân thủ đô hạn chế ra ngoài khi trời tối.
Bình luận (0)