Ấy là bởi tổng thống Mỹ được bầu bởi cử tri đoàn (Electoral College) chứ không phải phiếu bầu phổ thông (national popular vote). Cách thức bầu cử này được quy định bởi hiến pháp Mỹ, cũng như sự kết hợp giữa luật bang và liên bang.
Cử tri đoàn quyết định
Muốn làm chủ Nhà Trắng, 2 ứng viên sáng giá năm nay - bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ và ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa - phải giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri (electoral vote) trên tổng số 538 phiếu này.
Số lượng đại cử tri mà mỗi bang đóng góp cho cử tri đoàn bằng với số nghị sĩ của bang tại quốc hội, trong đó số thượng nghị sĩ cố định là 2 người/bang. Ví dụ, bang Texas có 36 hạ nghị sĩ và 2 thượng nghị sĩ nên sẽ có 38 đại cử tri. Bang California có đông đại cử tri nhất (55 người) trong khi một số bang như Dakota, Montana, Wyoming hay thủ đô Washington D.C chỉ có 3 đại cử tri/bang. Hiến pháp Mỹ không quy định nhiều tiêu chuẩn cho đại cử tri, ngoại trừ cấm các thượng và hạ nghị sĩ đảm nhận vai trò này.
Trên thực tế, trong ngày bầu cử, dân Mỹ bỏ phiếu bầu ra các đại cử tri - dù tên họ không xuất hiện trên phiếu bầu, theo đài CBS. Tại hầu hết các bang, ứng viên nào thắng số phiếu phổ thông thì đảng của họ sẽ giành được toàn bộ số lượng đại cử tri của bang. Ví dụ, nếu bà Clinton thắng ở bang chiến trường Arizona, 11 đại cử tri của bang này góp mặt vào cử tri đoàn sẽ là người của Đảng Dân chủ. Chỉ riêng 2 bang Maine và Nebraska là khác: Ai thắng hạt bầu cử quốc hội nào sẽ nhận phiếu đại cử tri của hạt đó. Sau cùng, người thắng trên toàn bang nhận nốt 2 phiếu đại cử tri còn lại.
Dựa trên chiến thắng tại từng bang của các ứng viên, giới phân tích hoàn toàn kết luận được ai sẽ “đăng quang”. Tuy nhiên, phải đợi đến ngày 19-12, sau khi cử tri đoàn được xác định, từng đại cử tri mới bỏ 1 phiếu chọn tổng thống và 1 phiếu chọn phó tổng thống. Đến chiều 6-1 năm sau (nếu không có gì thay đổi), Phó Tổng thống Joe Biden sẽ mở các phiếu bầu trước một ủy ban chung của quốc hội mới (được bầu cùng ngày bầu tổng thống 8-11-2016). Kết quả chính thức có trong cùng ngày 6-1 và tân tổng thống nhậm chức vào ngày 20-1-2017.
Trong trường hợp không ứng viên nào giành đủ 270 phiếu đại cử tri, theo Tu chính án số 12, Hạ viện Mỹ sẽ bầu tổng thống mới trong số 3 ứng viên nhận được nhiều phiếu đại cử tri nhất (mỗi bang được bỏ 1 phiếu). Thượng viện lãnh nhiệm vụ bầu phó tổng thống theo hình thức bỏ phiếu cá nhân. Trong lịch sử Mỹ chỉ có 2 tổng thống được bầu bởi hạ viện là ông Thomas Jefferson (vào năm 1801) và ông John Quincy Adams (năm 1825).
Tranh cãi và yêu cầu cải cách
Theo lý thuyết, cử tri đoàn sẽ chọn ứng viên giành được nhiều phiếu phổ thông nhất. Thế nhưng, không phải lúc nào cũng đúng như vậy và đây chính là hạn chế lớn nhất của hệ thống bầu cử Mỹ. Từ năm 1804 đến nay, đã có 4 tổng thống đắc cử mà không thắng số phiếu phổ thông.
Gần đây nhất là vào năm 2000, ứng viên Đảng Dân chủ Al Gore giành được hơn đối thủ Đảng Cộng hòa George W. Bush 540.520 phiếu phổ thông. Tuy nhiên, ông Bush lại trở thành tổng thống nhờ có được 271 phiếu đại cử tri, trong khi đối thủ có 266 phiếu. Trước đó năm 1888, ứng viên Cộng hòa Benjamin Harrison chiến thắng với 233 phiếu đại cử tri dù thua ứng viên dân chủ Grover Cleveland 100.456 phiếu phổ thông. Năm 1876, ứng viên Cộng hòa Rutherford B. Hayes thắng nhờ 185 phiếu đại cử tri dù thua ứng viên Dân chủ Samuel J. Tilden 264.292 phiếu phổ thông. Riêng năm 1824, sau khi 4 ứng viên chia rẽ cử tri đoàn, hạ viện bầu ông John Quincy Adams làm tổng thống dù ông Andrew Jackson giành được nhiều phiếu phổ thông lẫn đại cử tri hơn cả.
Một nhược điểm khác khiến những tiếng nói đòi cải cách hệ thống bầu cử Mỹ ngày càng âm vang là có thể dự tính được kết quả ở nhiều bang, từ đó dẫn đến việc cử tri mất động lực đi bỏ phiếu. Các ứng viên cũng dựa trên những tính toán này để lên chiến lược đi vận động. Ví dụ, bà Clinton phải o bế các bang “cứng” của Đảng Dân chủ như California, Illinois và New York; còn tỉ phú Trump dồn sức cho bang Texas... Tổ chức FairVore (phản đối hình thức cử tri đoàn) trong tuần này thống kê 92,5% các hoạt động tranh cử chỉ diễn ra ở 11 bang chiến địa. Hơn phân nửa những hoạt động này tập trung ở vỏn vẹn 4 bang.
Lật kèo
Tuy Hiến pháp Mỹ hay luật liên bang không bắt buộc song 26 bang và thủ đô Washington D.C yêu cầu các đại cử tri phải bỏ phiếu cho người mà họ cam kết ủng hộ. Trường hợp đại cử tri “lật kèo” dù hiếm nhưng từng xảy ra vào các cuộc bầu cử năm 1948, 1956, 1960, 1968, 1972, 1976 và 1988. Với đúng 1 đại cử tri đổi ý vào mỗi năm kể trên, họ chưa bao giờ ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc.
Nhưng năm nay có thể có nhiều đại cử tri “lật kèo” hơn trong nội bộ Đảng Cộng hòa bởi theo ông John Hudak - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý công hiệu quả của Viện Brookings - số thành viên đảng này phản đối “gà nhà” Donald Trump không hề ít. “Giả sử bà Clinton và ông Trump đang hòa nhau ở 269 phiếu, kể cả khi ông Trump nhỉnh hơn với 270 hay 271 phiếu, thì một vài đại cử tri nổi loạn cũng đủ thay đổi cục diện” - ông Hudak giải thích.
Bình luận (0)