Hãng tin Reuters ngày 1-3 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, ông Ihor Tenyukh, cho hay Nga đã đưa thêm 6.000 quân vào Ukraine gần đây.
Tổng thống Mỹ cảnh báo
Đến tối 26-2, không phận của Cộng hòa tự trị Crimea - Ukraine đã đóng cửa với những chuyến bay đến từ thủ đô Kiev sau khi các tay súng bí ẩn lần lượt chiếm đóng 2 sân bay tại đây, theo hãng hàng không Ukrainian International lớn nhất nước.
Phóng viên của các cơ quan báo chí quốc tế nhìn thấy 9 xe bọc thép chở quân của Nga trên con đường nối thành phố cảng Sevastopol - nơi đặt căn cứ của Hạm đội Biển Đen (Nga) với Symferopol - thủ phủ Crimea. Trong khi đó, ông Sergiy Kunitsyn, đại diện của Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksandr Turchinov tại Crimea, cho hay 13 chiến đấu cơ Nga đã hạ cánh xuống đây tối 28-2, mỗi chiếc chở tới 150 người.
Ngoài ra, Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc Yuriy Sergeyev thông báo ngày 28-2: “Chúng tôi được biết khoảng 10 máy bay vận tải IL-76 và 11 chiếc trực thăng chiến đấu Mi-24 của Nga đã vượt biên trái phép vào Ukraine”.
Tờ Kyiv Post dẫn tin từ Cơ quan Biên giới Ukraine cho biết các tàu chiến Nga đang có mặt tại cửa vịnh Balaklava của Sevastopol, trong khi biệt đội tuần duyên Ukraine ở Blaklava bị lính thủy đánh bộ Nga bao vây. Bất thường hơn, công ty viễn thông Ukrtelecom cho biết nhiều trung tâm thông tin đã bị chiếm giữ, cắt đứt liên lạc internet và điện thoại giữa Crimea với phần còn lại của Ukraine.
Tình hình này khiến Tổng thống lâm thời Turchynov hôm 28-2 cảnh báo thẳng với Tổng thống Nga Vladimir Putin: “Cá nhân tôi yêu cầu Tổng thống Putin dừng khiêu khích và rút lại lực lượng quân sự ở Crimea cũng như tuân thủ các thỏa thuận đã ký”.
Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly I. Churkin khẳng định: “Chúng tôi có thỏa thuận với Ukraine về hiện diện quân sự của Hạm đội Biển Đen và chúng tôi đang tiến hành theo thỏa thuận này”. Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện Nga) ngày 1-3 đã chấp thuận đề nghị của Tổng thống Vladimir Putin, cho phép sử dụng lực lượng quân đội Nga đóng ở Ukraine.
Tàu chiến Nga ngoài khơi Crimea. Nguồn: Reuters
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo cứng rắn: “Chúng tôi hết sức lo ngại trước các thông tin điều động quân đội của Liên bang Nga trong lãnh thổ Ukraine... Chắc chắn sẽ có trả giá!”. Tuy nhiên, ông Obama không nói rõ “giá” ở đây là gì. Trước mắt, tổng thống Mỹ có thể không tham dự Hội nghị G8 tổ chức tại Sochi - Nga vào tháng 6 tới.
Trong khi đó, theo Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo châu Âu - gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy - Tổng thống Putin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh leo thang bạo lực và kêu gọi bình thường hóa tình hình của láng giềng.
Lặp lại kịch bản Georgia?
Lúc này, Nga và Ukraine đang đổ cho nhau trách nhiệm chỉ huy nhóm tay súng chiếm 2 tòa nhà chính quyền và 2 sân bay tại Crimea. Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia Ukraine Andriy Parubiy cho hay đã sẵn sàng một kế hoạch hành động để ngăn chặn “kịch bản ly khai ở Crimea”.
Tuy nhiên, một quan chức trong chính phủ lâm thời Ukraine thừa nhận Kiev thất thế ở Crimea. Cộng hòa tự trị này vừa tiếp nhận nhiều thành viên của Berkut, đơn vị cảnh sát chống bạo động bị chính quyền mới loại bỏ với cáo buộc gây ra cái chết của nhiều người biểu tình. Bộ Ngoại giao Nga hôm 28-2 đã chỉ đạo lãnh sự quán tại Symferopol tăng tốc cấp hộ chiếu và quyền công dân cho các thành viên Berkut.
Binh lính ngồi trong xe quân sự Nga đậu bên ngoài một trạm gác biên giới của Urkaine
nằm ở thị trấn Balaclava, Crimea hôm 1-3. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Điện Kremlin ngày 1-3 cho hay Tổng thống Putin “không phớt lờ” khẩn cầu “giúp duy trì hòa bình” của Thủ tướng Crimea, ông Sergei Aksenov. Cùng ngày, Duma quốc gia Nga yêu cầu ông Putin sử dụng “mọi khả năng” để bảo vệ người Nga ở Crimea. Thêm vào đó, Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko tuyên bố tình thế hiện nay cho phép Nga “đưa một số lượng quân hạn chế để bảo đảm an toàn cho Hạm đội Biển Đen và công dân Nga”.
Trước những phản ứng này của Nga, Tổng thống lâm thời Turchynov lên án: “Họ đang chơi lại trò Abkhazia”. Năm 2008, Nga cũng dùng chiêu cấp hộ chiếu và tập trận, sau đó đem quân sang tách 2 vùng Abkhazia và Nam Ossetia khỏi đất nước Georgia. Cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea cũng góp phần trong cuộc chiến năm đó.
Bình luận (0)