Hôm 10-8, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) tuyên bố đã ngăn chặn một vụ tấn công tại Crimea do “những nhóm khủng bố được sự hỗ trợ của chính phủ Ukraine” gây ra. Cụ thể, các nhân viên FSB đụng độ “một nhóm phá hoại từ Ukraine” cuối ngày 6-8, khiến 1 người của FSB thiệt mạng trong lúc một số người của nhóm kia bị bắt. Hai ngày sau, cũng theo FSB, đặc nhiệm Ukraine tìm cách xâm nhập Crimea, sát hại một binh sĩ Nga.
Không dễ kiểm chứng những cáo buộc trên bởi Ukraine đã bác bỏ, trong lúc Mỹ và Liên minh châu Âu nói Nga chưa cung cấp bằng chứng. Dù vậy, vào năm ngoái, một số phần tử cực đoan Ukraine từng phá hủy đường dây cấp điện cho Crimea.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cáo buộc Kiev sử dụng khủng bố để kích động xung đột, tiếp theo sau là cảnh báo “có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine” của Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev.
Điều trùng hợp là một số bản tin cho biết Nga đã tăng hiện diện quân sự (triển khai vũ khí hạng nặng, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa S-400) tại Crimea ít nhất là từ hôm 6-8, tức không lâu trước “vụ tấn công” đầu tiên. Động thái này dẫn đến nỗi lo Nga sẽ lại can thiệp quân sự vào Ukraine dù một số chuyên gia cho rằng Moscow dư sức “răn đe” Kiev mà không cần động binh.
Trang Daily Beast nhận định động thái triển khai vũ khí và cáo buộc của FSB không khác gì chiến tranh tâm lý nhằm gây tổn thương cho nền kinh tế đang “bầm dập” của láng giềng. Chưa hết, không loại trừ khả năng Moscow có ý ép Kiev phạm sai lầm, dẫn đến cái giá phải trả đắt đỏ hơn.
Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng Nga có thể đang tìm kiếm đòn bẩy ngoại giao hơn là chuẩn bị chiến tranh. Ông Mark Galeotti, giáo sư Trường ĐH New York (Mỹ), chỉ ra rằng việc Moscow sử dụng Crimea để phát động cuộc tấn công vào miền Đông Uraine là điều khó hiểu bởi khu vực này tiếp giáp lãnh thổ Nga chứ không phải Crimea. “Khả năng Nga lên kế hoạch cho một cuộc tấn công lớn là cực kỳ thấp. Thay vào đó, đây là chiến lược leo thang căng thẳng kinh điển của Nga” - ông Galeotti nói với báo The New York Times.
Tiến trình đàm phán quốc tế về Ukraine chưa mang lại kết quả gì đáng kể. Bằng cách chứng tỏ Crimea đang căng thẳng, Tổng thống Putin muốn tăng vị thế trước khi cuộc hòa đàm dự kiến nối lại vào đầu tháng 9 tới, qua đó khẳng định Nga vẫn là một cường quốc ngay cả khi kinh tế gặp khó khăn do giá dầu xuống thấp và các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Không dừng lại ở Ukraine, biến động ở Crimea cũng giúp ích cho hy vọng của ông Putin về một cuộc “mặc cả” có lợi với Mỹ và phương Tây về tình hình Syria cũng như dỡ bỏ trừng phạt trước khi Tổng thống Barack Obama rời Nhà Trắng vào tháng 1-2017. Theo ông Galeotti, nhà lãnh đạo Mỹ dù sao vẫn chuộng “giải pháp” chứ không phải “xung đột” nên còn cơ hội để hai bên đạt được kết quả gì đó.
Ngược lại, bà Hillary Clinton, nữ ứng viên tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ, là nhân vật có lập trường cứng rắn với Nga. Đối thủ của bà Clinton, tỉ phú Donald Trump, dù có những lời lẽ thân thiện dành cho Moscow nhưng vẫn bị xem là “nhân tố khó đoán”. Ngay cả khi không có được “món hời” nào như kỳ vọng, ông Putin cũng có thể hài lòng khi thấy nước láng giềng Ukraine thấp thỏm không yên.
Bình luận (0)