Đó là tuyên bố được ông Lionel Yeo, Giám đốc điều hành Tổng cục Du lịch Singapore (STB), đưa ra gần đây giữa lúc ngành “công nghiệp không khói” này chỉ tăng trưởng nhẹ trong năm 2015.
Cụ thể, Singapore đã đón 15,2 triệu lượt du khách quốc tế vào năm ngoái, tăng 0,9% so với năm trước. Tuy nhiên, doanh thu từ du lịch lại giảm 6,8%, còn 22 tỉ USD. Do đó, chính phủ Singapore quyết định đầu tư hơn 500 triệu USD để thúc đẩy du lịch phát triển trong 5 năm tới. “Một trong những trở ngại cho tăng trưởng của du lịch ở Singapore là nguồn nhân lực thiếu thốn. Sự tự động hóa và robot là một trong những giải pháp giúp chúng tôi có thể duy trì sự tăng trưởng mà không cần thêm nhiều nhân lực (nước ngoài)” - ông Yeo giải thích.
Trước mắt, một dự án robot với sự hỗ trợ từ STB sẽ được thực hiện tại khách sạn Park Avenue Rochester vào tháng 7 nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt nhân sự. Hai robot sẽ được sử dụng cho công việc phục vụ phòng (phân phát nước đóng chai, khăn trải giường...) và hỗ trợ vận chuyển đồ vật. Robot có tên Techi này do Công ty Techmetics Solutions (Mỹ) phát triển. Nó có thể mang vác đồ vật nặng đến 80 kg, đảm nhận khối lượng công việc của 4 nhân viên làm việc trọn thời gian.
Cỗ máy trị giá 100.000 USD này được lắp bộ cảm biến để ngăn nó va vào tường và người. Hệ thống của robot còn được tích hợp bản đồ tòa nhà để giúp nó có thể di chuyển dễ dàng. Ngoài ra, thang máy được điều chỉnh để “giao tiếp” với robot thông qua mạng WiFi, cho phép nhân viên đặc biệt này tự đi thang máy khi cần. Người ta cũng có thể bổ sung mệnh lệnh vào Techi. Chẳng hạn như khi đến trước cửa phòng, Techi sẽ “gọi” khách thông qua điện thoại của từng phòng. Khi nhấc điện thoại, họ sẽ nghe robot nói “yêu cầu của khách đã được thực hiện”.
Khách sạn Park Avenue chi tổng cộng 285.000 USD cho dự án robot nói trên. Nếu dự án thành công, khách sạn có thể triển khai robot tại những bộ phận khác như khuân vác hành lý, dịch vụ phòng… Tổng quản lý khách sạn Park Avenue Rochester, ông Ryan Sun, tin tưởng robot sẽ giúp giảm tải cho bộ phận phục vụ phòng, nhờ đó nhân viên có thêm thời gian tương tác với khách.
Theo ông Ryan Sun, điều cần làm lúc này là giúp nhân viên và khách trọ làm quen với sự hiện diện của robot. “Một số khách có thể không thích ý tưởng này bởi họ vẫn thích được đón tiếp bởi những nhân viên trong bộ trang phục bắt mắt” - ông Sun giải thích. Ngoài ra, khách sạn còn cần giúp nhân viên hiểu rằng robot chỉ giúp họ đỡ vất vả chứ không chiếm công việc của họ.
Bình luận (0)