Ông Sarkozy bị các nhà điều tra nghe lén điện thoại vào năm ngoái để làm rõ cáo buộc nhận tài trợ của cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi trong chiến dịch tranh cử năm 2007. Dĩ nhiên, cựu lãnh đạo Pháp một mực khẳng định không làm gì sai, nhất là khi ông đang ấp ủ ý định tranh cử tổng thống vào năm 2017.
Theo sau bác bỏ của ông Sarkozy, phe đối lập cũng cáo buộc chính phủ lợi dụng việc nghe lén này để làm mất uy tín họ trước thềm các cuộc bầu cử địa phương trong tháng 3.
Bà Bộ trưởng Tư pháp Christiane Taubira phủ nhận mình biết chuyện điện thoại của ông Sarkozy bị nghe lén trước khi báo chí phơi bày vào tuần rồi. Dù vậy, Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault sau đó bất ngờ “bán đứng” cấp dưới với thừa nhận cả ông và bà Taubira đều biết về vụ nghe lén từ tháng 2.
Đang chịu nhiều sức ép từ các cáo buộc gây quỹ trái phép, Đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) đối lập chớp thời cơ để vớt vát uy tín. Ông Jean-Francois Cope, thủ lĩnh UMP, cáo buộc hành động trên là “do thám chính trị”, đồng thời kêu gọi bà Taubira từ chức vì đã nói dối. Khăng khăng mình sẽ không từ chức, bà Taubira biện hộ trong cuộc họp báo ngày 12-3: “Lẽ ra tôi nên nói rõ rằng mình không có thông tin gì về thời điểm, thời gian và nội dung của vụ nghe lén”.
Bà Taubria là gương mặt nổi bật trong chính phủ ông Hollande kể từ khi thúc đẩy luật cho phép hôn nhân đồng giới vào năm ngoái bất chấp biểu tình dữ dội ngoài đường phố.
Reuters nhận định vụ bê bối trên diễn ra vào thời điểm không thể tệ hơn đối với Tổng thống Hollande. Uy tín của ông đang chạm đáy bởi ông chưa thể kéo giảm tỉ lệ thất nghiệp cũng như đưa kinh tế tăng trưởng trở lại như cam kết. Cuộc bầu cử thị trưởng trong ngày 23 và 30-3 tới sẽ là phép thử đầu tiên mà ông Hollande đối mặt sau khi nhậm chức hồi tháng 5-2012.
Bình luận (0)