Chỉ huy Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ Paul Zukunft cho rằng những tàu phá băng mới nhất của họ cần được trang bị vũ khí hạng nặng để thích ứng những tình huống khó lường trong tương lai.
Tàu phá băng tỉ USD
Tại hội nghị thường niên về hải quân ở TP Crystal, bang Virginia tuần trước, ông Zukunft tuyên bố tàu phá băng đầu tiên của thế hệ mới nêu trên có thể đi vào hoạt động trong 5 năm tới và trị giá gần 1 tỉ USD. Tính tổng cộng, lực lượng này đề xuất đóng thêm 6 tàu phá băng, trong đó có 3 chiếc cỡ lớn nhất.
Tàu phá băng Healy của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ (phía trước) tại Bắc Cực
Ảnh: LỰC LƯỢNG BẢO VỆ BỜ BIỂN MỸ
Tuy từ chối cung cấp chi tiết về loại vũ khí mà các tàu phá băng mới có thể được trang bị nhưng trước đó, Đô đốc Zukunft từng đề xuất lắp đặt công nghệ tên lửa hành trình lên tàu. Đây là đề xuất chưa từng có dù hoạt động quân sự ở các vùng lãnh thổ tại Bắc Cực đã trở thành vấn đề cấp thiết về chính trị và an ninh quốc gia đối với Mỹ và Nga trong nhiều năm qua. Ngoài tên lửa hành trình, ông Zukunft còn lưu ý những tàu phá băng mới có thể được trang bị một hệ thống vũ khí mô-đun - được lắp đặt và tháo dỡ trên boong tàu dễ dàng tùy theo yêu cầu của nhiệm vụ.
Những phát biểu trên được xem là dấu hiệu rõ ràng nhất về một cuộc chiến tranh lạnh dường như đang nóng lên ở Bắc Cực. Theo trang Washington Times (Mỹ), những người phản đối cho rằng điều này phát đi tín hiệu nguy hiểm tới Moscow. Ngược lại, một số lãnh đạo như ông Zukunft lập luận Mỹ không thể không trang bị vũ khí khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Bắc Cực trở nên dễ tiếp cận hơn và tiềm năng mở ra các tuyến đường biển chiến lược. "Chúng tôi có thể tìm ra cách giảm chi phí để chừa chỗ cho việc vũ khí hóa con tàu, qua đó giúp chúng có khả năng tấn công trong trường hợp thế giới thay đổi trong 5, 10, thậm chí là 15 năm tới" - Đô đốc Zukunft nói thêm.
Không chỉ Nga và Mỹ
Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ hiện chỉ có 3 tàu phá băng, trong đó có một chiếc ưu tiên cho nghiên cứu khoa học. Vượt trội hơn hẳn, Nga - nước có đường bờ biển Bắc Cực dài nhất thế giới và các cảng trên toàn khu vực - có ít nhất 40 tàu phá băng, bao gồm 4 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân và 16 tàu cỡ trung. Trước tuyên bố của Mỹ không lâu, Moscow công bố kế hoạch phát triển 2 tàu phá băng mới trang bị tên lửa hành trình và dự kiến biên chế trong vòng 2 năm tới.
Giới phân tích nhận định Bắc Cực có khả năng sớm trở thành lãnh thổ có giá trị về kinh tế lẫn quân sự. Ông Bryan Clark, thành viên cấp cao của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách tại Washington, cho biết các khu vực đóng băng ở Bắc Cực là tuyến đường ngắn nhất giữa Nga và Mỹ cũng như giữa Triều Tiên và Mỹ.
Trong khi đó, ông Jerry Hendrix, thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, đánh giá việc Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ kêu gọi vũ trang cho tàu phá băng là nhằm đối phó việc Nga tập trung phát triển cơ sở hạ tầng quân sự ở Bắc Cực và dọc biên giới phía Tây trong tương lai gần.
Cuối tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nói với hãng tin Tass rằng cơ quan này đã hoàn tất xây dựng tất cả cơ sở của mình ở Bắc Cực, đồng thời nhấn mạnh không có nước nào trên thế giới xây dựng các cơ sở được trang bị đầy đủ như thế trong lịch sử phát triển của khu vực này.
Bên cạnh Nga, các quốc gia giáp Bắc Cực khác cũng đã trang bị cho đội tàu phá băng của mình nhiều loại vũ khí khác nhau. Tàu phá băng hạng nặng KV Svalbard của Na Uy có súng Bofors 57 mm trên boong - chống được tên lửa bay tới, tấn công cả máy bay lẫn tàu chiến hạng nhẹ. Không kém cạnh, có thông tin Canada đang phác thảo nhiều hệ thống vũ khí cho các tàu tuần tra Bắc Cực mới của mình, thuộc lớp Harry DeWolf.
Hiện đại hơn nhiều so với các nước láng giềng, kho vũ khí trên tàu tuần tra lớp Kund Rasmussen của Đan Mạch bao gồm súng siêu nhanh Otobreda 76 mm, 2 súng máy và thậm chí là phóng được tên lửa phòng không và ngư lôi chống tàu ngầm MU90.
Bình luận (0)