Tình hình căng thẳng tại Thái Lan hạ nhiệt nhanh đến bất ngờ hôm 3-12 sau khi chính phủ ra lệnh cho cảnh sát dỡ bỏ rào chắn, dây kẽm gai để mở đường cho người biểu tình vào các tòa nhà chính phủ ở thủ đô Bangkok.
Thay đổi chiến lược
Người phát ngôn chính phủ Teerat Ratanasevi nói với giới truyền thông: “Người biểu tình cho biết họ muốn chiếm giữ các tòa nhà chính phủ nhưng chính phủ không muốn thấy bất kỳ sự xô xát hay đối đầu nào. Do đó, chúng tôi ra lệnh cho cảnh sát ngừng tay”. Trong một thông điệp được phát trên truyền hình, ông Krisana Pattanacharoen, một quan chức cảnh sát, cũng cho biết động thái trên nhằm “giảm căng thẳng giữa người biểu tình và cảnh sát”.
Sự thay đổi chiến lược đột ngột này cho thấy chính phủ Thái Lan sẵn sàng thỏa hiệp để giảm bớt căng thẳng trước sinh nhật thứ 86 của Quốc vương Bhumibol Adulyadej. Nó cũng chấm dứt nguy cơ tiếp diễn bạo lực đã khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương trong những ngày qua.
Cũng trong ngày 3-12, tướng Paradon Patthanathabut của Hội đồng An ninh quốc gia cho biết hai bên đã đồng ý hòa hoãn trong vài ngày tới để tránh ảnh hưởng đến những sự kiện mừng sinh nhật quốc vương. Hãng tin Reuters nhận định ngay cả khi người biểu tình vẫn còn trên đường phố, sự thù địch giữa họ với lực lượng ủng hộ chính phủ của bà Yingluck và anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, có thể giảm đi.
Tương lai bất định
Dù vậy, không ai dám chắc chuyện gì sẽ xảy ra sau đó bởi thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố sẽ tiếp tục “cuộc chiến” cho đến khi “chế độ Thaksin” bị lật đổ hoàn toàn.
Ông Paul Quaglia, Giám đốc Công ty Phân tích rủi ro PQA Associates ở Bangkok, nhận định với đài CNN: “Trước sau gì chính phủ cũng phải giải tán và tiến hành tổng tuyển cử nhưng chưa rõ là bao lâu nữa. Tuy nhiên, tình hình sẽ không nghiêm trọng như năm 2010”. Năm đó, các cuộc xung đột đẫm máu giữa lực lượng an ninh và người ủng hộ ông Thaksin khiến khoảng 90 người thiệt mạng.
Theo hãng tin AP, động thái mang tính hòa giải nói trên càng làm gia tăng phỏng đoán hai bên đã đạt được thỏa thuận nhằm thoát khỏi tình trạng bế tắc chính trị hiện nay. Một trong những kịch bản được nói đến là bà Yingluck sẽ từ chức và giải tán quốc hội để xoa dịu người biểu tình trong thời gian ngắn. Dù vậy, Đảng Pheu Thai cầm quyền chắc chắn sẽ lại chiến thắng trong bất kỳ cuộc bầu cử nào diễn ra sau đó bởi sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân ở nông thôn và người nghèo ở thành thị.
Một sự trở lại của Pheu Thai lại là điều ông Suthep không chấp nhận, ít nhất là vào thời điểm này. Ông tuyên bố mạnh mẽ: “Tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến… bởi họ lúc nào cũng có thể quay trở lại hút máu người dân, đánh cắp mọi thứ của người dân, không tôn trọng hiến pháp và biến chúng ta thành nô lệ của họ”.
GS Thitinan Pongsudhirak, Viện trưởng Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế của Đại học Chulalongkorn, nhận định: “Việc đưa ra yêu cầu thay chính phủ là hành động quá đáng. Tuy nhiên, các yêu sách của ông Suthep lại phù hợp với những người nghĩ rằng hệ thống bầu cử hiện nay không đáng tin cậy và họ cần phải tự lập chính phủ, viết lại luật lệ”.
Bình luận (0)