xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thế giới chia rẽ vì vũ khí hạt nhân

Hoàng Phương

Chính quyền ông Trump đang xem xét lại cam kết của Mỹ về mục tiêu thế giới không vũ khí hạt nhân

Hơn 100 nước hôm 27-3 bắt đầu tham gia tiến trình thương thảo về một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở TP New York - Mỹ, một sự kiện đang bị phủ bóng bởi sự tẩy chay của gần 40 quốc gia.

Hành động gây sao nhãng

Trước khi hội nghị bắt đầu, bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại LHQ, lên tiếng phản đối, lấy lý do thế giới đang đối mặt không ít mối đe dọa an ninh. “Chẳng có gì tôi mong muốn cho gia đình mình hơn ngoài một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, chúng ta phải thực tế. Liệu có ai tin rằng Triều Tiên sẽ đồng ý với một lệnh cấm vũ khí hạt nhân” - bà Haley phát biểu với các phóng viên. Đứng cùng với bà Haley là khoảng 20 đại sứ các nước đồng quan điểm, trong đó có những đồng minh như Anh, Pháp, Hàn Quốc… và một số quốc gia Đông Âu.


Bà Nikki Haley phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc hôm 27-3 Ảnh: Reuters

Bà Nikki Haley phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc hôm 27-3 Ảnh: Reuters

Bà Beatrice Fihn, Giám đốc điều hành Chiến dịch quốc tế loại trừ vũ khí hạt nhân (ICAN, trụ sở ở Thụy Sĩ), gọi sự phản đối vào giờ chót của một số nước là gây sao nhãng và không giúp ích gì cho nỗ lực cấm vũ khí hạt nhân. Phe ủng hộ hiệp ước mới cho rằng mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân đang cao hơn bao giờ hết kể từ khi chiến tranh lạnh khép lại. Vì thế, họ hy vọng hiệp ước mới sẽ cấm sử dụng, sở hữu và phát triển vũ khí hạt nhân, hướng tới việc loại bỏ chúng hoàn toàn.

Dù thừa nhận những người ủng hộ có “ý tốt” nhưng bà Haley chất vấn rằng liệu họ “có thật sự hiểu rõ những mối đe dọa chúng ta đang đối mặt?”. Đại sứ Anh tại LHQ Matthew Rycroft nhấn mạnh những cuộc thương thảo vừa bắt đầu sẽ không dẫn đến tiến triển rõ ràng về vấn đề giải giới hạt nhân toàn cầu.

Trong nỗ lực xoa dịu làn sóng công kích, bà Haley tuyên bố những quốc gia không đàm phán vẫn cam kết tuân thủ Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NPT) có hiệu lực năm 1970. Nhà ngoại giao này chỉ ra rằng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ đã giảm 85% kể từ khi NPT có hiệu lực và cam kết Washington tiếp tục làm thế.

Nỗi lo mới thời ông Trump

Đáp lại, phe ủng hộ lập luận rằng ít có tiến triển đạt được trong những năm gần đây bất chấp những cam kết được các cường quốc hạt nhân đưa ra trong khuôn khổ NPT. Theo bà Fihn, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã đưa ra một số cam kết nhưng rồi phớt lờ hầu hết và hiện có những nỗi lo mới dưới thời người kế nhiệm Donald Trump.

Vào tuần rồi, theo Reuters, một phụ tá Nhà Trắng nói chính quyền ông Trump đang xem xét lại cam kết của Washington về mục tiêu thế giới không vũ khí hạt nhân. Không lâu trước khi nhậm chức hồi tháng 1 qua, ông Trump viết trên Twitter rằng Mỹ cần tăng cường và mở rộng năng lực hạt nhân.

Đại Hội đồng LHQ hồi tháng 12-2016 thông qua nghị quyết (113 phiếu thuận, 35 phiếu chống và 13 phiếu trắng) bật đèn xanh cho việc tiến hành thương thảo về một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân mang tính ràng buộc pháp lý và khuyến khích mọi thành viên tham gia. Theo tờ The Guardian, toàn bộ 9 nước được cho là đang sở hữu vũ khí hạt nhân - Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh, Nga, Ấn Độ, Pakistan, Israel, Triều Tiên - đều phản đối một hiệp ước như thế.

Trong số những nước không sở hữu vũ khí hạt nhân phản đối hiệp ước, Úc là nước có tiếng nói mạnh mẽ nhất. Dù vậy, thượng viện nước này hôm 27-3 thông qua kiến nghị thúc giục chính phủ tham gia quá trình thương thảo về hiệp ước, vì lý do nhân loại đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi “gần 15.000 vũ khí hạt nhân trên thế giới”.

Theo Kyodo, vòng đàm phán đầu tiên của tiến trình diễn ra từ ngày 27 đến 31-3 với sự tham gia của đại diện khoảng 115 nước. Vòng tiếp theo dự kiến diễn ra từ ngày 15-6 đến 7-7.

Triều Tiên không dừng lại

Tờ Daily Star dẫn nguồn tin cho biết có khả năng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ ra lệnh thử hạt nhân lần nữa vào dịp diễn ra hội nghị cấp cao Mỹ - Trung hay ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (15-4) hoặc nhân kỷ niệm ngày thành lập quân đội nước này (25-4).

Thông tin này cũng được trang Sputnik đề cập. Trang này cho hay Bình Nhưỡng có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 trong tháng này nhằm gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa tầm xa. Thực tế, hoạt động ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri đang không ngừng gia tăng, khiến các chuyên gia dự đoán Bình Nhưỡng sắp thử hạt nhân trong vài ngày tới.

Trong năm 2016, Triều Tiên thực hiện 2 vụ thử hạt nhân và hơn 25 vụ phóng tên lửa. Rõ ràng Bình Nhưỡng không có ý định dừng lại. Ngày 27-3, nhiều quan chức giấu tên của Mỹ tiết lộ Triều Tiên vừa thực hiện thêm một vụ thử động cơ tên lửa đêm 24-3 và động cơ này có thể được sử dụng trong tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Theo Reuters, một khi được phát triển đầy đủ với tầm bắn 5.500-10.000 km, ICBM của Triều Tiên đe dọa được cả phần lục địa của Mỹ - vốn cách Triều Tiên khoảng 9.000 km.

Tư lệnh Vincent K. Brooks của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc nói với Ngoại trưởng Úc Julie Bishop rằng Triều Tiên đã phát triển tên lửa có thể bắn đến Úc. Theo Sputnik, việc Triều Tiên đe dọa Úc, một đồng minh của Mỹ, là khá mới mẻ vì Bình Nhưỡng thường nhắm vào Mỹ và Hàn Quốc. Trong cuộc phỏng vấn với báo The Australian mới đây, Ngoại trưởng Úc Bishop nói: “Nếu Triều Tiên phát triển được tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân, nguy cơ an ninh không chỉ xuất hiện trên bán đảo Triều Tiên mà còn trong khu vực của chúng ta, bao gồm Úc”.

Tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan của Bình Nhưỡng có tầm bắn hơn 4.000 km. Nếu Triều Tiên nâng được tầm bắn của tên lửa này lên 7.000 km thì TP Cairns thuộc bang Queensland - Úc, cách Triều Tiên gần 6.500 km, có thể trở thành mục tiêu.

Huệ Bình

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo