xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thêm lệnh ngừng bắn ở Đông Ukraine

LỤC SAN

Moscow tiếp tục hỗ trợ cư dân miền Đông Ukraine về mặt ngoại giao, không phụ thuộc vào kết quả đàm phán giữa “bộ tứ Normandy”

Cuộc đàm phán căng thẳng bàn cách giải quyết xung đột ở Ukraine của “bộ tứ Normandy” - giữa nhà lãnh đạo Ukraine, Nga, Đức và Pháp - tại Cung điện Độc lập ở thủ đô Minsk của Belarus kéo dài gần 16 giờ, từ tối 11 đến trưa 12-2 (giờ địa phương).

Ngừng bắn và rút vũ khí

Các nhà lãnh đạo làm việc suốt đêm, chỉ dừng lại 2 lần để chụp ảnh và ăn tối. Đáng chú ý, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande có khoảng thời gian thảo luận kín với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ở một phòng khác.

Thêm vào đó, đặc phái viên của Chủ tịch Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE) Heidi Tagliavini có lúc rời hội nghị nhóm tiếp xúc - gồm đại diện OSCE, Ukraine, Nga và phe ly khai - diễn ra song song để sang hội đàm với “bộ tứ Normandy”.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ báo giới sau cuộc đàm phán 4 bên ở Minsk ngày 12-2  Ảnh: REUTERS

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ báo giới sau cuộc đàm phán 4 bên ở Minsk ngày 12-2

Ảnh: REUTERS

 

Trước kỳ vọng rất lớn của dư luận thế giới để ngăn chặn đụng độ ở Đông Ukraine leo thang thành cuộc chiến quy mô lớn, 4 nhà lãnh đạo đã ký bản tuyên bố chung dài 4 trang với hơn 10 điều khoản, theo hãng tin Nga Tass. Điểm nổi bật trong tuyên bố là sự khẳng định hoàn toàn tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine cũng như giải pháp hòa bình là con đường duy nhất.

Đại sứ quán Ukraine ở Minsk ra thông báo cho biết văn kiện trên đề nghị ngừng bắn ở Donbass từ ngày 15-2, rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến sự trong 2 tuần, thiết lập khu vực an ninh trong khoảng 50-70 km và trao đổi tù binh. Về việc rút vũ khí hạng nặng, Tổng thống Putin nhấn mạnh các bên đã thỏa thuận quân đội Ukraine phải đưa vũ khí ra khỏi phòng tuyến hiện nay, còn phe ly khai rút vũ khí khỏi chiến tuyến được ấn định trong thỏa thuận Minsk ngày 19-9-2014.

Phe ly khai đổi ý

Gặp gỡ báo giới sau đó, Tổng thống Nga Putin xác nhận: “Chúng tôi đã đồng ý những vấn đề chính”, còn tổng thống Pháp gọi các thỏa thuận đạt được khiến “châu Âu thở phào”. Trong khi đó, theo kênh truyền hình 112 Ucraina, Tổng thống Poroshenko lưu ý thỏa thuận tại cuộc hội đàm không đả động đến quyền tự trị của Donbass hoặc liên bang hóa Ukraine.

Tổng thống Belarus A. Lukashenko nhận định điều chính yếu lúc này là thực hiện thỏa thuận đạt được. Tương tự, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz nhấn mạnh các bên phải biến lời nói thành hành động. Điều này không dễ dàng gì khi giới chức Ukraine ngày 12-2 cho biết có thêm 9 người thiệt mạng, 35 người thị thương trong các cuộc giao tranh mới nhất ở miền Đông nước này.

Đáng chú ý, lãnh đạo 2 cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR) tự xưng Alexander Zakharchenko và Igor Plotnitsky - đến Minsk sáng 12-2 để dự hội nghị nhóm tiếp xúc - đã ký tên vào thỏa thuận về giải quyết tình hình ở Đông Ukraine dù trước đó từng từ chối.

Ông Zakharchenko nhấn mạnh: “Do có sự bảo đảm của tổng thống Nga, thủ tướng Đức và tổng thống Pháp, chúng tôi ký thỏa thuận mà chúng tôi hy vọng sẽ đặt dấu chấm hết cho các hoạt động quân sự, đồng thời cho phép DPR và LPR kiến tạo hòa bình vì lợi ích của nhân dân”. Thủ tướng Đức Merkel sau đó tiết lộ ông Putin đã gây áp lực để buộc phe ly khai ký vào thỏa thuận.

Ngoài ra, “bộ tứ Normandy” nhất trí sẽ tiếp tục đàm phán 3 bên giữa Liên minh châu Âu (EU), Ukraine và Nga về vấn đề năng lượng cũng như thỏa thuận về khu vực thương mại tự do giữa Ukraine và EU. Đại diện thường trực Nga tại EU Vladimir Chizhov cho biết thêm Moscow sẽ tiếp tục hỗ trợ cư dân miền Đông Ukraine về mặt ngoại giao, không phụ thuộc vào kết quả đàm phán giữa “bộ tứ Normandy”.

 

IMF có thể cấp 40 tỉ USD cho Ukraine

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde hôm 12-2 cho biết IMF và Kiev đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về gói cứu trợ tài chính 17,5 tỉ USD thời hạn 4 năm nhưng ban giám đốc IMF chưa thông qua thỏa thuận này. Theo bà, gói cứu trợ chung có tổng giá trị 40 tỉ USD - ngoài 17,5 tỉ USD của IMF còn có tiền của Liên minh châu Âu, các nước thành viên và nhà đầu tư tư nhân. Đổi lại, Ukraine phải cải cách sâu rộng nền kinh tế và tái cấu trúc tập đoàn khí đốt quốc doanh Naftogas để được nhận số tiền trên.

Cùng ngày, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk cho biết Kiev hy vọng nhận được khoản cứu trợ 25 tỉ USD từ IMF trong vòng 4 năm, trong đó 17,5 tỉ USD được cấp trước để ổn định nền kinh tế.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo