Việc tạm thời đóng cửa một bộ phận Chính phủ liên bang Mỹ kể từ 1-10, ngày bắt đầu năm tài khóa 2014, do không đạt được sự đồng thuận về ngân sách đã khiến nền kinh tế nước này bị tổn thất hơn 2 tỉ USD. Công ty Tư vấn Mỹ IHS Global Insight đã cho biết như vậy.
Công ty nhỏ thiệt hại 20%
Mở cửa lại các cơ quan Chính phủ Mỹ là yêu cầu cấp bách hiện nay Ảnh: GLOBAL LOOK PRESS
Hãng tin Itar-Tass khẳng định có thể cảm nhận được hậu quả của thực tế nêu trên trong các lĩnh vực khác nhau của kinh tế Mỹ. Điển hình, các công ty gắn liền với lĩnh vực du lịch đã phải chịu thiệt hại liên quan đến việc ngừng hoạt động của các công viên quốc gia được nhà nước trợ cấp và các địa điểm bảo vệ thiên nhiên.
Thêm vào đó, khối lượng đơn đặt hàng mà các công ty Mỹ nhận được cũng giảm sút. Chẳng hạn, Công ty Hàng không Lockheed Martin ngày 7-10 đã buộc phải cho gần 2.400 nhân viên nghỉ việc không lương vì phải ngưng thực hiện một loạt dự án quốc gia.
Trong tình hình đó, có đến 46% chủ công ty nhỏ cho biết doanh nghiệp của họ đang cảm nhận được mức độ ảnh hưởng của tình trạng chính phủ đóng cửa, bao gồm việc hủy bỏ công việc đang làm và không có việc làm mới. Theo họ, mức thiệt hại cho công việc kinh doanh có thể lên đến 20%.
Hơn nữa, đài CNN nhận định nếu việc đóng cửa Chính phủ Mỹ kéo dài đến 1 tháng, nền kinh tế nước này sẽ mất đi 50 tỉ USD. Thực ra, con số dự báo vừa nêu còn ít hơn 5 tỉ USD so với ước tính ban đầu của Mark Zandi, nhà kinh tế hàng đầu của Moody’s Analytics - công ty con của Tổng Công ty Moody’s. Ông đã giảm mức dự báo của mình xuống sau khi Bộ Quốc phòng kêu gọi gần một nửa trong số 800.000 nhân viên liên bang đi làm lại.
Ông Doug Handler, nhà kinh tế của IHS Global Insight, cho rằng thiệt hại trực tiếp từ việc đóng cửa chính phủ sẽ nhỏ hơn mức thiệt hại gián tiếp mà nền kinh tế Mỹ gánh chịu do tình trạng không chắc chắn về chính trị hiện nay. Theo ông, những mối quan ngại ngày càng tăng về tình trạng bế tắc trong vấn đề nâng trần nợ sẽ là điều đáng lo nhất.
Nhân viên CIA đi làm lại
Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan thông báo phần lớn số nhân viên CIA phải nghỉ không lương tuần trước do chính phủ đóng cửa đã được gọi đi làm trở lại. Ông thừa nhận quyết định trên được đưa ra gắn với thực trạng an ninh quốc gia bị đe dọa khi các chuyên gia này vắng mặt.
Ông John Brennan cho biết các nhân viên bị buộc nghỉ phép đã làm việc lại tại các bộ phận thu thập và phân tích thông tin tình báo, hoạt động bí mật ở nước ngoài và phản gián. Giám đốc CIA nhấn mạnh rằng sự vắng mặt các chuyên gia có đẳng cấp này có thể khiến tính mạng nhiều người bị đe dọa và ngăn trở việc bảo vệ nước Mỹ.
Ông Brennan không cung cấp con số chính xác các nhân viên CIA trở lại làm việc nhưng khẳng định họ chiếm một phần đáng kể nhân sự của cơ quan này. Trước đó, có tin cho biết do chính phủ tạm ngưng hoạt động, các cơ quan tình báo Mỹ - trong đó có Cục Điều tra Liên bang (FBI) và CIA - đã buộc phải cho đến 70% chuyên gia của mình nghỉ phép.
8 hạ nghị sĩ Mỹ bị bắt Ít nhất 8 thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ nằm trong số 200 người bị bắt chiều 8-10 (giờ địa phương) sau khi tụ tập gây cản trở trên một đường phố chính gần trụ sở quốc hội, yêu cầu Đảng Cộng hòa tổ chức cuộc bỏ phiếu thông qua dự luật cải tổ nhập cư đã bị ngưng trệ. Cảnh sát không nêu danh tánh những người bị bắt. Tuy nhiên, đại diện của tổ chức chính sách xã hội Trung tâm Thay đổi Cộng đồng và hãng tin AP cho biết đã chứng kiến việc bắt giữ các hạ nghị sĩ John Lewis (bang Georgia), Luis Gutiérrez (Illinois), Raúl Grijalva (Arizona), Keith Ellison (Minnesota), Joseph Crowley và Charles Rangel (New York), Al Green (Texas), Jan Schakowsky (Illinois). |
Bình luận (0)