Thử thách này cũng lại đến từ sai lầm lớn nhất của bà kể từ khi lên nắm quyền vào giữa năm 2011: mở đường cho dự luật ân xá lên quốc hội hồi tháng 10. Ban đầu, dự luật được cả lưỡng viện ủng hộ bởi chỉ ân xá những người bình thường đã tham gia biểu tình và gây bạo lực từ năm 2004 đến tháng 8-2013. Thế nhưng, phiên bản sửa chữa mới đây lại muốn tha cho hầu hết những ai từng dính líu đến chính biến trong giai đoạn 2004-2010, bao gồm những nhân vật đã ra lệnh cho quân đội và cảnh sát trấn áp đẫm máu người biểu tình “áo đỏ” năm 2010 lẫn khoảng 25.000 người bị buộc tội hối lộ và trốn thuế.
Cả phe “áo đỏ” lẫn “áo vàng” đều phản đối. Với phe “áo đỏ”, dự luật sẽ bít đường tìm kiếm công lý cho hơn 90 người thiệt mạng và 1.900 người bị thương trong cuộc biểu tình năm 2010. Phe “áo vàng” phản ứng dữ dội hơn, bởi theo họ dự luật sẽ mở đường về cho cựu thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra, anh trai bà Yingluck. Làn sóng biểu tình ồ ạt khiến thượng viện “giết” dự luật ân xá. Nhưng biểu tình không những không tan mà còn đạt cực đại trong vòng 3 năm qua vào hôm 24-11 với 100.000 người tham gia.
Ảnh: AP
Ngày 28-11, bà Yingluck dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội nhờ Đảng Pheu Thai nắm thế đa số. Sau cuộc bỏ phiếu, bà lên truyền hình nói với những người người biểu tình: “Xin hãy dừng lại, cho đất nước bình yên. Tôi đề nghị người biểu tình hãy rời khỏi các văn phòng chính phủ để dịch vụ công tiếp tục được vận hành”.
Bà kêu gọi người biểu tình và phe đối lập tham gia một ủy ban để đối thoại tìm lối thoát bởi lẽ kinh tế và du lịch Thái Lan bắt đầu bị tổn thương. Đến nay đã có 23 nước và vùng lãnh thổ ra cảnh báo hạn chế đi đến Thái Lan trong khi số du khách sụt giảm 300.000 người kể từ khi biểu tình nổ ra, gây thất thu 16 tỉ baht (gần 498 triệu USD). Sản lượng xuất khẩu cũng giảm 0,7% so với tháng 10 năm ngoái.
Phản ứng của chính phủ tuần qua được cho là nhu nhược (đánh giá theo hướng tiêu cực) hoặc bình tĩnh (theo hướng tích cực) vì kiên quyết không dùng vũ lực. Nhưng không phải là không có tính toán! Một quan chức an ninh cấp cao tiết lộ chính phủ đang kiên nhẫn chờ người biểu tình tự tan rã vào ngày 5-12 tới, tức sinh nhật lần thứ 86 của Quốc vương Bhumibol Adulyadej. Gây hỗn loạn trong ngày này bị xem là thiếu kính trọng hoàng gia. Theo ông Akanat Promphan, phát ngôn viên của người biểu tình, số người biểu tình hiện vào khoảng 50.000 người song trung tướng Paradon Patthanathabut của Hội đồng An ninh quốc gia ước tính chỉ còn 10.000 người.
Lúc này, giới quan sát đang hướng mắt về quân đội Thái Lan nhưng các tướng lĩnh hàng đầu vẫn án binh bất động trong các căn cứ ở ngoại ô Bangkok!
Bình luận (0)