Các cuộc biểu tình chống chính phủ Thái Lan đã vượt ra ngoài thủ đô Bangkok hôm 27-11. Người biểu tình vây hãm văn phòng cơ quan nhà nước ở một số tỉnh miền Nam, trong đó có đảo du lịch Phuket.
Không dùng vũ lực
Thủ tướng Yingluck Shinawatra đang tìm mọi cách để làm dịu tình hình. Bà đã đề nghị mở một cuộc họp khẩn cấp với các cơ quan, ban ngành để bàn tính sao cho việc công không bị ứ đọng trong lúc bị người biểu tình bao vây. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo này còn kêu gọi người biểu tình kiềm chế, không cản trở công chức hoàn thành nhiệm vụ. Hiện chính phủ đang chuẩn bị đàm phán với các nhóm biểu tình để tránh đẩy nước này sa vào khủng hoảng chính trị. “Chính phủ Thái Lan để ngỏ cánh cửa đối thoại. Bất cứ điều gì tốt cho đa số, chúng tôi sẵn sàng hợp tác” - bà Yingluck nói với báo giới.
Tờ The Wall Street Journal trích lời học giả Pavin Chachavalpongpun tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trường ĐH Kyoto (Nhật Bản): “Các cuộc biểu tình chống chính phủ rầm rộ tại Thái Lan là dấu hiệu của sự tuyệt vọng”.
Ngày 27-11, những người biểu tình tại đại lộ Ratchadamnoen chia nhau tuần hành đến trụ sở của 6 bộ, ngành, trong đó có Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Cục Điều tra đặc biệt, Bộ Thương mại… Giữa trưa cùng ngày, một đám đông thuộc Lực lượng Dân chủ chống chủ nghĩa Thaksin (Pefot) đã bao quanh văn phòng của Bộ Năng lượng, phong tỏa tất cả các cửa ra vào. Trong khi đó, nhân viên Cục Điều tra đặc biệt phải sơ tán.
Bắt thêm lãnh đạo biểu tình
Trước đó, khoảng 3 giờ ngày 27-11, 16 xe cảnh sát Thái Lan bị người dân bao vây tại một điểm đổ xăng ở quận Sam Sen thuộc thủ đô Bangkok. Lúc đó, rộ lên thông tin đoàn xe này có thể đang trên đường đi tới trụ sở Bộ Tài chính, nơi có đông đảo người dân biểu tình. Ngay lập tức, đám đông bao vây đoàn xe khiến tất cả thành viên trên xe đều không thể thoát ra ngoài. Đến 4 giờ, đoàn người biểu tình mới bắt đầu giãn ra và cho phép đoàn xe này rời đi.
Về lệnh bắt giữ ông Suthep Thaugsuban, người cầm đầu cuộc biểu tình, luật sư của ông đã đệ đơn kiến nghị lên Tòa án Hình sự Thái Lan yêu cầu xem xét lại. Trong khi đó, người phát ngôn của chính phủ cho biết cảnh sát đang chuẩn bị lệnh bắt giữ thêm 3 thủ lĩnh chủ chốt của cuộc biểu tình vì kích động hỗn loạn. Phó Thủ tướng Pracha Promnok đã yêu cầu các quan chức liên lạc với ông Suthep để đàm phán tìm lối thoát nhưng chưa có tiến triển.
Bất chấp lệnh bắt giữ, đêm 26-11, ông Suthep vẫn kêu gọi đám đông biểu tình ở trụ sở Bộ Tài chính ủng hộ cuộc chống đối chính phủ đến cùng. Ông Suthep khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng sẽ không bỏ chạy, không nộp mình cho cảnh sát cho đến khi cái gọi là “chế độ Thaksin” bị nhổ đi. “Nếu những người ủng hộ không muốn tôi bị bắt thì hãy kéo đến Bangkok để tiếp sức các cuộc biểu tình” - ông Suthep nói.
Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ Korn Chatikavanij lên tiếng ủng hộ cái gọi là kế hoạch tổng thể về cải cách đất nước của ông Suthep một khi “chế độ Thaksin” bị loại bỏ. Dù vậy, ông thừa nhận chưa hoàn toàn hiểu khái niệm “chính quyền nhân dân” do ông Suthep đưa ra.
Bình luận (0)