Nhìn lại năm nay, Tổng thống Putin có thể hài lòng với những thắng lợi hiển nhiên - dù có phần ngoài mong đợi - trên mặt trận ngoại giao. Đầu tiên, phải kể đến nước cờ lật ngược tình thế hồi tháng 8, cứu Syria khỏi một trận không kích của Mỹ và đồng minh bằng đề xuất giao nộp vũ khí hóa học. Khi chọn ông Putin làm “người quyền lực nhất thế giới năm 2013”, tạp chí Forbes đánh giá: “Bất cứ ai theo dõi bàn cờ Syria đều thừa nhận cán cân sức mạnh đang nghiêng về Putin trên trường quốc tế”.
Thắng lợi thứ hai là trong trận đối đầu trực diện với Washington: Cho cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden tị nạn. Dang tay bảo bọc người đang gây sóng gió cho Washington, Tổng thống Nga đồng thời làm giới tình báo Mỹ nuốt không trôi cục tức ở cổ họng.
Thắng lợi lớn thứ ba chính là thỏa thuận đạt được tuần này giữa Nga và Ukraine. Tuy Ukraine chưa gia nhập liên minh hải quan do Nga đứng đầu và Tổng thống Viktor Yanukovich dường như vẫn dòm ngó khả năng ký hiệp định liên kết với Liên hiệp châu Âu (EU) song không thể phủ nhận con đường “Tây tiến” của Kiev phần nào bị phong tỏa. Điều đáng nói là khi Điện Kremlin buông lời đe dọa tại một hội nghị ở Crimea - Ukraine hồi tháng 9, đã có nhiều tiếng cười nhạo đáp lại từ Kiev. Chỉ 3 tháng sau, cục diện biến đổi!
Ngoài ra, vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng mà sự tham gia của Nga có thể tạo ra khác biệt đáng kể. Ví dụ, dàn xếp trở ngại về vấn đề tái định cư giữa Israel và Palestine nhờ quan hệ tốt với cả hai, tạo đột phá trong đàm phán với Iran nhờ vị thế cường quốc hạt nhân hay ngăn chặn sự bành trướng của Taliban dựa trên ảnh hưởng sẵn có tại Afghanistan. Đặc biệt, khi Mỹ “xoay trục” về châu Á - Thái Bình Dương, Nga hoàn toàn có thể chiếm vị trí chiến lược trong bản đồ quyền lực của khu vực.
Tương phản với đường lối ngoại giao có vẻ tròng trành của Tổng thống Mỹ Barack Obama, sự mạnh mẽ của Tổng thống Putin tạo ấn tượng rõ rệt rằng ông hiểu rất rõ các giới hạn quyền lực của Nga và kiên quyết bảo vệ những gì mà ông cho là lợi ích quốc gia.
Tuy nhiên, qua đó cũng nhận thấy Nga đang thiếu một thứ - quyền lực mềm. Bằng chứng nằm ở mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Nga với Mỹ và châu Âu. Bất chấp năm nay là Năm văn hóa Nga - Hà Lan, quan hệ 2 nước vẫn phủ mây mù với cáo buộc nhân viên ngoại giao bị đánh ở cả 2 thủ đô. Hà Lan thậm chí còn đưa Nga ra tòa án quốc tế sau khi Moscow bắt tàu Arctic Sunrise treo cờ Hà Lan của Tổ chức Hòa Bình Xanh. London có khi cũng đang dè chừng vì năm sau là Năm văn hóa Nga - Anh.
Thêm vào đó, ảnh hưởng mà Nga tạo dựng mới dừng ở mức một vài khu vực chứ chưa thể “phủ sóng” toàn cầu như Mỹ. Ở Đông Âu hay Trung Đông, tiếng nói của Nga có trọng lượng song tại châu Phi, Mỹ Latin hay châu Á thì chưa là gì. Đó là lý do mà “chú gấu” Nga còn cần tăng cường hợp tác và tạo dựng niềm tin với các quốc gia khác hơn nữa.
Bình luận (0)