xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tình cảnh người Serb ở Kosovo

Nguyễn Cao

“Với việc hậu thuẫn Kosovo tự tuyên bố độc lập, Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây dương (NATO) phải chịu trách nhiệm về việc lan truyền dịch ly khai ở khắp hành tinh” – nhật báo Al-Qas xuất bản tại Kuwait đã nhận định như vậy. Và sẽ không có gì khó hiểu nếu nay mai có một số tỉnh, khu vực bắt chước tự tuyên bố độc lập, chia cắt nhiều quốc gia một cách nguy hiểm. Bởi nhân dân “được độc lập” kiểu Kosovo hưởng lợi thì ít mà chuốc lấy tai họa thì nhiều

Kosovo độc lập với tên gọi là Cộng hòa Kosovo có khoảng 2 triệu dân, đa số là người Albania (hơn 80%). Người Serb chiếm thiểu số (13%). Sau chiến tranh Kosovo (năm 1999), Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra Nghị quyết 1244 đặt Kosovo dưới thẩm quyền của Phái bộ chính quyền lâm thời Liên Hiệp Quốc ở Kosovo, gọi tắt là UNMIK. Phần an ninh do KFOR (lực lượng quân sự của NATO ở Kosovo) đảm trách. Nghị quyết tái xác nhận chủ quyền của Serbia trên toàn vùng.

Hai năm qua, chính quyền Kosovo và chính quyền Serbia đã tiến hành nhiều vòng đàm phán về tình trạng hiến pháp của Kosovo. Những vòng đàm phán này, theo nhà báo Jean-Arnault Derens viết trên tạp chí Le Monde Diplomatique, đã được lập trình với một kết cuộc là thất bại bởi ngay từ đầu người Mỹ tuyên bố rằng việc Kosovo độc lập là “không thể tránh được”. Ngày 17-2, Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập và được 18 nước và lãnh thổ công nhận ngay, trong đó có Mỹ và Pháp, Anh, Đức, Ý.

Độc lập để làm gì?

Nhiều người ở Kosovo thắc mắc: Độc lập sẽ mang lại lợi ích gì cho người dân Kosovo? Kosovo là quốc gia trẻ nhất ở châu Âu và là quốc gia “hiện đại nhất”. Thật vậy, Kosovo sẽ có cơ hội trải nghiệm những hình thức tổ chức chính trị chưa từng thấy. Chủ quyền của Kosovo rất hạn chế vì trên thực tế là một nhà nước được quốc tế bảo hộ theo kiểu mới.

Về mặt kinh tế, Kosovo không có hy vọng cải thiện được gì. Từ lâu, nền công nghiệp Kosovo không còn hoạt động. Nền kinh tế Kosovo chủ yếu dựa vào thương mại và dịch vụ. Theo ông Jean-Arnault Derens, độc lập sẽ không làm cho Kosovo thay đổi được gì. Những dự án tái lập hoạt động các mỏ khoáng sản rất bấp bênh. Chắc chắn Serbia sẽ không từ bỏ quyền sở hữu đa số các nhà máy, xí nghiệp ở Kosovo.

Kosovo rất cần sự hỗ trợ tài chính của hàng ngàn kiều dân Albania sinh sống ở Thụy Sĩ, Đức, các nước Bắc Âu, Bỉ và Mỹ để vực dậy nền kinh tế ốm yếu của Kosovo. Nhưng điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố của một tương lai xem ra có nhiều bất trắc hơn thuận lợi.

60% người Kosovo hiện nay lâm cảnh thất nghiệp. 60% thanh niên dưới tuổi 25 không có việc làm. 40.000 thanh niên Kosovo ăn mừng sinh nhật thứ 18 mà không biết làm cách nào để xây dựng cuộc sống của họ trên quê hương mình. Đó là nói về những người Kosovo gốc Albania chiếm đa số. Số phận người Kosovo gốc Serbia còn bi đát hơn.

Một thế giới nghèo khó

Phóng viên Atanas Kirovski của tuần báo Forum xuất bản ở Skopje, thủ phủ Cộng hòa Macedonia, hồi tháng rồi đã đến Kosovo tìm hiểu đời sống người Serb ở Kosovo. Những gì Kirovski thấy ở Gracanica, một khu vực của cộng đồng người Serb cách thủ đô Pristina của Kosovo chỉ vài cây số, thật đáng buồn.

img
Mang ảnh Tổng thống Putin đi biểu tình chống Kosovo độc lập ở Mitrovica

Tại đây, khoảng 30.000 người Serb sống dưới bóng tu viện chính thống giáo (có từ năm 1321 và hiện nay được UNESCO công nhận là di sản thế giới). Gracanica chỉ có vài làng, lớn nhất là làng Caglavica. Tỉ lệ người thất nghiệp ở đây trên 90%.

Mọi liên hệ với bên ngoài duy nhất của họ là nước Serbia. Họ kiếm được chút tiền bạc từ mối liên hệ này. Tinh thần dân tộc khiến họ chỉ dùng mạng điện thoại di động của Serbia khi dùng phương tiện liên lạc hiện đại này chứ không dùng các mạng của Kosovo. Gracanica trở thành một thế giới khép kín với những khu nhà tồi tàn.

Một người trong làng nói với Kirovski: “Ngay tù nhân của nhà tù Goli Otok (nhà tù Nam Tư, nơi giam cầm những người cộng sản trung thành với Liên Xô) cũng không tồi tệ như vầy. Chúng tôi giống như một con chuột mắc bẫy. Chúng tôi không có điện, không có gì cả”.

Jovanka Kostic, nhà báo trẻ ở đài phát thanh Caglavica, sinh ra và lớn lên ở Pristina. Sau khi NATO can thiệp vào Kosovo, cô di tản sang Serbia. Gần đây, cô trở về Kosovo nhưng không sống ở Pristina. Cô giải thích: “Pristina là thành phố quê hương của tôi. Tôi đã trải qua thời thơ ấu ở đó. Nhưng đó là một thành phố mà tôi không thể đi dạo một cách tự do”.

Sống trong nỗi sợ hãi

Gracanica là khu người Serb lớn nhất ở Kosovo. Ngoài ra, còn 20.000 người Serb khác sống trong các làng cô lập khác, những giọt nước trong cái biển mênh mông người Kosovo gốc Albania.

Trước 1999, năm NATO oanh kích Kosovo trong cuộc chiến với Serbia, ở Kosovo có 250.000 người Serb. Sau đó, số dân này giảm còn phân nửa bởi nạn thanh lọc sắc tộc do người Albania tiến hành chống lại người Serb. Hiện nay, ở Kosovo có 80.000 người Serb sinh sống ở bờ Bắc sông Ibar, cắt ngang thị trấn Mitrovica. Ở bên bờ Nam là người gốc Albania. Họ sống tương đối yên ổn dưới sự bảo vệ của lực lượng quân sự quốc tế, chủ yếu là quân đội Pháp. 50.000 người Serb khác, như đã nói trên, sống ở Gracanica và các làng rải rác quanh các cơ sở chính thống giáo là điểm tựa tinh thần lớn nhất.

Cuộc sống của người Serb ở Kosovo nói chung không được yên ổn nếu vắng bóng những người lính nước ngoài. Họ chỉ dám di chuyển từ nơi này sang nơi khác bằng tàu lửa hay đoàn xe có quân đội quốc tế hộ tống để tránh những cuộc phục kích hay âm mưu sát hại của người Albania. Nay Kosovo tuyên bố độc lập, họ càng sợ hãi hơn.

Do đó không lạ gì, sau khi chính quyền người Albania ở Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập, hôm 23-2, hàng ngàn người Serb ở Mitrovica đã xuống đường biểu tình ôn hòa chống Kosovo độc lập. Họ giương cao các biểu ngữ “Kosovo của Serbia”, “Nga, Vladimir Putin”. Trước đó một ngày, Tổng thống Putin đã công kích dữ dội thái độ của các nước phương Tây, nhất là các nước công nhận Cộng hòa Kosovo và cảnh báo những hệ lụy đầy bất trắc.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo