Xích mích nổ ra hồi đầu tháng này khi Stockholm hủy bỏ hiệp ước hợp tác về tình báo, do thám và sản xuất vũ khí ký hồi năm 2005 với Riyadh vì vụ nhà hoạt động nhân quyền Raef Badawi của Ả Rập Saudi bị tòa phạt 1.000 roi và quản thúc 20 tuần do “xúc phạm đạo Hồi”.
Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom chỉ trích hình phạt trên giống như “thời trung cổ”. Ả Rập Saudi trả đũa bằng cách không cho bà Wallstrom phát biểu về nữ quyền tại hội nghị thượng đỉnh của giới Ả Rập ở Cairo - Ai Cập hôm 9-3.
Riyadh ngày 17-3 tiếp tục lên án phát biểu của bà Wallstrom “can thiệp trắng trợn” vào nội bộ Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) cũng như chủ quyền và quyền tư pháp của Ả Rập Saudi. Các ngoại trưởng trong khối Ả Rập hòa giọng với Riyadh chê trách bà Wallstrom phát ngôn “vô trách nhiệm và không thể chấp nhận”.
Trước những chỉ trích tới tấp đó, bà Wallstrom cứng rắn: “Tôi sẽ không rút lại các phát ngôn về nữ quyền và dân chủ. Tôi thấy không có gì phải xấu hổ”. Quan điểm của bà nhận được sự đồng tình của chính phủ Thụy Điển. Phó Thủ tướng Asa Romson xem việc hủy bỏ hiệp ước với Ả Rập Saudi là “thắng lợi của nền ngoại giao dựa trên sự tôn trọng nhân quyền và chuẩn mực đạo đức”.
Tuy nhiên, với vị thế là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 12 trên thế giới, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo sự việc lần này sẽ gây tổn hại uy tín của Thụy Điển trên thương trường quốc tế. Giá trị xuất khẩu vũ khí của quốc gia này năm 2014 giảm 33%, xuống còn 1,3 tỉ USD.
Chỉ riêng Ả Rập Saudi - nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới - đã mua 39 triệu USD trang thiết bị quân sự từ Thụy Điển vào năm ngoái. Ngoài ra, hiệp ước vừa bị hủy đã giúp các công ty Thụy Điển kiếm được 567 triệu USD từ năm 2011-2014. Do đó, những tiếng nói phản đối cho rằng đây không phải là lúc để Stockholm bỏ qua vấn đề an ninh và kinh tế để trở thành “cường quốc về đạo đức”!
Bình luận (0)