Đêm 27-7 qua, đương kim tổng thống Mỹ đã trả lại món nợ ân tình này cả vốn lẫn lời bằng bài diễn văn từ biệt ấn tượng trước khi hết nhiệm kỳ vào tháng 1-2017. Với sự kết hợp cái nhìn lạc quan về tương lai đất nước và những chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào tỉ phú Donald Trump, ông Obama nỗ lực thuyết phục cử tri rằng bà Clinton chính là lựa chọn tốt nhất cho vị trí kế nhiệm mình.
Một mặt thừa nhận Đảng Dân chủ vẫn còn chia rẽ sau cuộc bầu cử sơ bộ cam go cũng như bà Clinton đã phạm “sai lầm”, ông Obama vẫn khẳng định nữ ứng viên này không chỉ là đồng minh đáng tin cậy của mình mà còn của tất cả người Mỹ nào đang cần một người có thể đấu tranh để họ sống tốt và an toàn hơn. Theo ông, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới không phải là sự lựa chọn giữa các đảng phái, chính sách mà là giữa một ứng viên có phẩm chất tốt nhất trong lịch sử và một ứng viên đang là mối đe dọa cho nền dân chủ.
Nhà lãnh đạo Mỹ đặc biệt lạc quan về tương lai đất nước khi nhấn mạnh: “Nước Mỹ mà tôi biết luôn tràn đầy sự dũng cảm, lạc quan và sáng tạo. Nước Mỹ mà tôi biết rất tử tế và hào phóng”. Ông Obama lập luận rằng bỏ phiếu cho bà Clinton chính là bỏ phiếu để “bác bỏ chủ nghĩa yếm thế và nỗi lo sợ cũng như khơi dậy những gì tốt đẹp nhất trong mỗi chúng ta”.
Ông chủ Nhà Trắng còn khôn khéo mời gọi cử tri Đảng Cộng hòa (GOP) bỏ phiếu cho bà Clinton mà không phải từ bỏ những nguyên tắc bảo thủ của mình: “Những gì chúng ta nghe thấy ở TP Cleveland vào tuần rồi không giống thông điệp của GOP cũng như chẳng mang tính bảo thủ chút nào. Những gì chúng ta nghe thấy chỉ là tầm nhìn đầy bi quan về một đất nước đang có sự đối đầu trong nội bộ và quay lưng lại với thế giới”.
Ông Obama không phải là người phát biểu duy nhất thuyết phục cử tri ủng hộ một ứng viên Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Tỉ phú Michael Bloomberg, cựu Thị trưởng TP New York, cũng đăng đàn để khuyến khích cử tri độc lập “có trách nhiệm” bỏ phiếu cho bà Clinton - một người “có năng lực” và “tỉnh táo” - trong lúc gọi cuộc đua đến Nhà Trắng của tỉ phú Trump là “một trò bịp”.
Trong khi đó, bài phát biểu của Phó Tổng thống Joe Biden còn gây ấn tượng mạnh hơn với lời lẽ công kích “không lẫn vào đâu được” dành cho ứng viên tổng thống của GOP: “Ông ta nói rằng mình quan tâm đến tầng lớp trung lưu. Đó chỉ toàn là những lời nói vô nghĩa… Ông ta không biết chút gì về những điều khiến nước Mỹ trở nên vĩ đại”.
Đêm thứ ba của đại hội Đảng Dân chủ tại TP Philadelphia, bang Pennsylvania khép lại bằng hình ảnh đầy biểu tượng: Một cái ôm chặt giữa ông Obama và bà Clinton sau bài phát biểu đầy cảm xúc của đương kim tổng thống Mỹ. Hành động chuyển giao “gậy chỉ huy” này chứng tỏ niềm tin tràn đầy của ông Obama về việc người phụ nữ từng làm ngoại trưởng dưới trướng mình sẽ tiếp tục những di sản ông để lại sau 8 năm làm chủ Nhà Trắng.
Bình luận (0)