Trước đó, tại cuộc họp báo hôm 15-9, Văn phòng Tổng thống Philippines phủ nhận cáo buộc ông Duterte ra lệnh thực hiện các vụ giết người không qua xét xử khi ông còn là thị trưởng TP Davao, từ năm 1988-2013.
Thư ký báo chí Martin Andanar khẳng định: “Ủy ban Nhân quyền Philippines đã điều tra từ nhiều năm trước khi tổng thống còn là thị trưởng nhưng họ không buộc tội bởi không phát hiện bất kỳ chứng cứ trực tiếp nào”.
Cáo buộc trên do một nhân chứng đưa ra hôm 15-9 trước một ủy ban thượng viện Philippines - được thành lập để điều tra các vụ giết người không qua xét xử trong vòng 3 tháng qua kể từ khi ông Duterte lên làm tổng thống.
Người này khai tên Edgar Matobato, thuộc “đội hành quyết Davao” (DDS) gồm 300 thành viên. Theo ông Matobato, khởi đầu của DDS là một “đội thủ tiêu” có tên gọi “Những cậu bé Lambada” do ông Duterte thành lập. Chỉ riêng ở Davao, nạn nhân của DDS đã hơn 1.000 người, bao gồm người Hồi giáo, đối thủ của ông Duterte và các loại tội phạm như buôn bán ma túy, hiếp dâm, bắt cóc, cướp giật…
Đài CNN cho hay bản thân HRW trong báo cáo năm 2009 cũng cáo buộc có 124 vụ giết người có chủ đích ở Davao từ năm 1998-2008.
Ngoài ông Duterte, con trai ông là Paolo Duterte, hiện làm Phó thị trưởng Davao, cũng ra lệnh cho DDS giết người, theo ông Matobato. Phương thức ra tay của DDS rất ghê rợn. Sau khi giết người, họ phân xác tử thi vùi xuống ven đường hoặc quấn chặt bằng băng dính để tránh bị nhận dạng. Thậm chí, có một xác người bị ném cho cá sấu ăn.
Matobato còn cáo buộc tự tay ông Duterte - khi là thị trưởng - đã bắn chết một đặc vụ Bộ Tư pháp bằng khẩu tiểu liên Uzi khi người này chặn đường nhóm sát thủ vào năm 1993.
Vào năm 2009, có tin ông Duterte ra lệnh giết bà Leila de Lima - khi đó là chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Philippines - khi ủy ban này điều tra các vụ giết chóc ở Davao, theo ông Matobato. Bà De Lima chính là người khởi động cuộc điều tra của thượng viện Philippines hiện nay.
Cho đến nay, bản thân ông Duterte không có phản ứng trước các cáo buộc trên. Tuy nhiên, theo đài CNN, ông từng ám chỉ mình đã bắn các nghi can trong một vụ bắt cóc. Thêm vào đó, hồi năm ngoái, ông Duterte buột miệng thừa nhận ông là thành viên đội hành quyết trong một buổi truyền hình trực tiếp ở Philippines trước khi đe dọa giết hàng ngàn tội phạm và vứt xác xuống vịnh Manila nếu được bầu làm tổng thống.
Cách diệt trừ ma túy của ông Duterte đang chịu nhiều chỉ trích khi số người chết không qua xét xử đã lên đến hơn 3.500 người, theo báo Guardian (Anh).
Bình luận (0)