Ông Nicolas bị nghe lén điện thoại từ đầu năm 2013. Tiến hành vụ này là cơ quan điều tra trong nghi án ứng cử viên Nicolas Sarkozy nhận 50 triệu euro tiền tài trợ trái phép của Muammar Gaddafi, Tổng thống Libya (gọi tắt là vụ án Libya), khi tổ chức vận động tranh cử tổng thống năm 2007.
Paul Bismuth là ai?
Chính vụ theo dõi nghe lén này giúp cơ quan điều tra tự tin bắt giam cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy 15 giờ, một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Cộng hòa Pháp sau Thế chiến thứ hai. Họ cũng chính thức mở cuộc điều tra ông Sarkozy về 3 tội danh: Hối mại quyền thế, tham nhũng tích cực và xâm phạm bí mật nghề nghiệp.
Tội tham nhũng tích cực có nghĩa ông Sarkozy là người chỉ đạo và đưa hối lộ trong vụ án Libya. Tội xâm phạm bí mật nghề nghiệp liên quan đến nghi án Bettencourt, cũng là một vụ tài trợ trái phép chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Sarkozy năm 2007 từ gia đình tỉ phú Bettencourt.
Ngày 5-3-2013, tuần báo L’Express là cơ quan ngôn luận đầu tiên hé lộ vụ án nghe lén với thông tin nhà riêng, văn phòng làm việc của luật sư Thierry Herzog và thẩm phán Gilbert Azibert bị khám xét trước đó 1 ngày. Ông Herzog là luật sư bào chữa cho cựu Tổng thống Sarkozy trong vụ án Libya, còn ông Azibert là thẩm phán cấp cao tòa phúc thẩm.
Từ vụ nghe lén này, ngày 26-2-2013, tòa án Paris đã khởi tố vụ án nhằm xác định tội danh hối mại quyền thế và xâm phạm bí mật nghề nghiệp, cụ thể là nghiệp vụ của tòa phúc thẩm. Cuộc nghe lén cũng liên quan đến một vụ án khác: Tịch thu những cuốn sổ tay công tác của ông Sarkozy trong vụ án Bettencourt mà cuối cùng ông được miễn tố.
Ngày 7-3-2013, đến lượt nhật báo Le Monde khui thêm nhiều chi tiết. Tờ báo này cho biết nhờ nghe lén điện thoại của ông Sarkozy mà các nhà điều tra phát hiện một bí mật: Biết mình bị nghe lén, vị cựu tổng thống Pháp dùng một máy điện thoại di động thứ hai đăng ký với tên khác là Paul Bismuth để trao đổi thông tin với luật sư Herzog. Theo Le Monde, nội dung trao đổi cho thấy ông Sarkozy nắm được đầy đủ thông tin trong quá trình tòa phân định việc tịch thu các sổ nhật ký công tác của mình là hợp pháp hay bất hợp pháp nhờ có tay trong.
Nội gián giúp cựu Tổng thống Sarkozy là luật sư Gilbert Azibert, đại diện công tố tại tòa phúc thẩm. Ông này cung cấp thông tin nêu trên cho “người bạn thân thiết” Herzog và ông Sarkozy. Đổi lại, luật sư Azibert được ông Sarkozy hứa sẽ “nói giùm một tiếng” để giành được một chức vụ “ngon ăn” ở Công quốc Monaco.
Bom nổ giữa trời quang
Tiết lộ nêu trên của 2 tờ báo lớn ở Paris được ví như một quả bom nổ giữa trời quang. Nó trở thành một vấn đề quốc sự khi đảng đối lập UMP (Liên minh Vì phong trào nhân dân) tố cáo vụ nghe lén là trái phép và đáng xấu hổ. Francois Fillon, cựu thủ tướng dưới trào Tổng thống Sarkozy, yêu cầu quốc hội thành lập ủy ban điều tra vụ nghe lén. Chủ tịch UMP Jean-François Copé cũng đòi Tổng thống Francois Hollande trả lời “biết hay không biết vụ nghe lén”.
Đảng Xã hội cầm quyền chống trả khá lúng túng. Bà Bộ trưởng Tư pháp Chritiane Taubira tuyên bố “chỉ biết có chuyện này khi đọc báo Le Monde”.
Vụ việc trở nên rối rắm khi tờ báo trào phúng Le Canard Enchainé (Con Vịt Buộc) khẳng định Bộ trưởng Nội vụ Manuel Walls và bà Taubira đã được báo cáo về vụ việc ngay từ đầu. Tuy nhiên, ông Jean-Marc Ayrault, Thủ tướng Pháp lúc bấy giờ, chỉ xác nhận rằng bên hành pháp có biết nhưng “không nắm được nội dung”.
Lợi dụng nước Pháp sắp bước vào bầu cử địa phương, UMP tấn công tới tấp chính phủ, tạo ra “vụ án trong vụ án”. Ông Copé yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Taubira từ chức vì “nói dối”. Bà này đính chính: “Tôi không biết ngày giờ, thời lượng và nội dung những cuộc nghe lén. Tôi chỉ biết vụ việc ngày 28-2. Tôi không báo cáo với tổng thống mà chỉ thông tin cho thủ tướng”. Tuy nhiên, ngày 13-3, bà Taubira thú nhận: “Tôi nhầm lẫn ngày giờ”.
Ngày 18-3, trang mạng Mediapart trích đăng nội dung 7 cuộc nghe lén những cuộc điện đàm giữa ông Sarkozy, luật sư Herzog và thẩm phán cao cấp Azibert, làm rúng động chính giới và ngành tư pháp Pháp. Theo đó, ông Azibert thuyết phục 2 trong 3 đồng nghiệp ở tòa phúc thẩm phụ trách hồ sơ Bettencourt biểu quyết có lợi cho ông Sarkozy nhưng không thành công. Ngày 11-3, tòa phúc thẩm quyết định giữ lại các sổ công tác của ông Sarkozy để phục vụ công tác điều tra những vụ án khác.
Những vụ án bủa vây
Không chỉ có cuộc điều tra hình sự về tội hối mại quyền thế, tên tuổi cựu Tổng thống Sarkozy còn liên quan đến 5 hồ sơ pháp lý khác có thể cản trở ông trở lại chính trường.
1. Vụ án Libya: Ông Sarkozy bị nghi ngờ nhận tiền tài trợ trái phép của tổng thống Libya năm 2007. Cảnh sát đã mở cuộc điều tra vụ án này từ tháng 4-2013 theo lời cáo giác của một số nhân vật cộm cán của chính quyền Libya.
2. Vụ án Bygmalion: Cuối tháng 6-2014, các thẩm phán tài chính đã khởi tố vụ án nhằm xác định có hay không việc UMP tài trợ trái phép khoảng 10-11 triệu euro cho chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy năm 2012 với những hóa đơn giả của Công ty Bygmalion.
3. Vụ án Toulon: Từ tháng 10-2013, tòa án Paris đã mở cuộc điều tra nghi án biển thủ công quỹ trong cuộc gặp gỡ cử tri tại Lyon của ông Sarkozy vào cuối năm 2011. Chi phí này không được thể hiện trong sổ sách của chiến dịch tranh cử.
4. Vụ án Tapie: Ông Sarkozy bị nghi ngờ dùng ảnh hưởng cá nhân gây áp lực buộc Bộ trưởng Kinh tế Christine đồng ý cho Ngân hàng Credit Lyonnais hoàn trả nhà tài phiệt Bernard Tapie 403 triệu euro hồi tháng 7-2008 trong một vụ kiện dai dẳng.
5. Vụ án thăm dò ý kiến của Điện Élysée: Tháng 6-2007, ông Sarkozy ký hợp đồng với 9 công ty chuyên thăm dò dư luận mà không qua đấu thầu công khai theo luật định. Ông Sarkozy bị nghi ngờ có hành xử thiên vị.
Kỳ tới: Tương lai chính trị u ám
Bình luận (0)