Nếu sử dụng lý thuyết trò chơi để xem xét thế tiến thoái lưỡng nan của chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên, yếu tố thu hút nhiều chú ý hơn chính là độ tuổi còn khá trẻ của lãnh đạo Kim Jong-un: 33 tuổi.
Do lưu vong trong hòa bình dường như không phải là lựa chọn - rất khó để ông Kim Jong-un rời Triều Tiên an toàn - nên ông ta cần chiến lược để nắm quyền trong 50 năm tới hoặc lâu hơn nữa. Đó là một nhiệm vụ nặng nề nhưng lại giúp chúng ta hiểu được những chiến thuật điên rồ của ông Kim có thể đã được tính toán rất hợp lý.
Rất khó để dự đoán thế giới sẽ ra sao trong nửa thế kỷ tới. Cách đây 50 năm, Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc đang diễn ra trong lúc sự trỗi dậy của Nhật Bản chưa rõ ràng. Trong khi đó, Triều Tiên có thể vẫn còn giàu hơn Hàn Quốc - được xem là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới vào năm 1960. Khi đó, khó có ai có thể hình dung được những gì xảy ra thời điểm này.
Do đó, nếu một người đang nắm quyền muốn lên kế hoạch cho sự tồn tại lâu dài với một loạt kết cục khả dĩ, họ có thể làm gì? Họ không thể biết ai là thù và ai là bạn trong 50 năm tới nên sẽ chọn chiến lược "nhím xù lông" để mọi người e dè. Người Mỹ có xu hướng nghĩ đến ông Kim Jong-un là một người dễ nổi nóng với những kế hoạch của Washington nhưng về lâu dài, đối thủ tự nhiên của ông ta lại là Trung Quốc.
Thật dễ để Triều Tiên đe dọa các thành phố Trung Quốc bằng vũ khí, trong lúc vị thế hạt nhân của Bình Nhưỡng cản đường Bắc Kinh trở thành một thế lực thống trị Đông Á. Dư luận Trung Quốc đã quay lưng lại với Triều Tiên trong khi các nhà lãnh đạo thắc mắc liệu một lựa chọn đáng tin, thân Trung Quốc có được (Bắc Kinh) cân nhắc thay thế ông Kim Jong-un hay không. Kể từ khi nắm quyền, nhà lãnh đạo này đã thanh trừng những tướng lĩnh và người thân có quan hệ thân thiết nhất với Trung Quốc.
Ông Kim Jong-un giúp nền kinh tế Triều Tiên tăng trưởng cao bất ngờ Ảnh: REUTERS
Có thể giải thích cuộc tranh cãi nảy lửa giữa ông Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump như một tín hiệu của nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi đến Trung Quốc rằng họ không nên cố lật đổ mình vì ông ta sẵn sàng tính chuyện trả đũa "điên rồ". Nếu nhìn nhận vấn đề theo hướng này, khả năng Bắc Kinh là mục tiêu của một trong số các vũ khí hạt nhân của ông Kim còn cao hơn cả TP Seattle (thuộc bang Washington - Mỹ).
Hơn nữa, có thể nghĩ đến việc ông Kim lên giọng với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ như là bước đệm tiềm năng nhằm chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Nếu ông Kim tỏ ra thụ động và điềm tĩnh, hiếm ai nghĩ rằng một quốc gia nhỏ như thế lại có khả năng này. Bằng cách chọn đối đầu với Mỹ, ông ấy đang chứng tỏ khả năng ngăn chặn bất cứ ai.
Một kịch bản khác có thể xảy ra từ quan điểm của ông Kim là sức ép và biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế đang tăng và Triều Tiên không thể tồn tại như một quốc gia hạt nhân không được thừa nhận tại khu vực. Ngay cả khi điều này dường như khó có thể xảy ra lúc này thì đừng quên chúng ta đang nói về cột mốc 50 năm tới.
Vì vậy, nếu những hành động khiêu khích của Triều Tiên có thể khiến Nhật Bản hoặc có thể là Hàn Quốc phát triển năng lực răn đe hạt nhân, điều này sẽ giúp giảm sức ép lên ông Kim bởi sự phổ biến vũ khí hạt nhân không còn là chuyện của riêng Bình Nhưỡng ở khu vực. Ông Kim có lẽ quan tâm đến sự sống còn của bản thân hơn là xử lý những thay đổi trong cán cân quyền lực tại khu vực.
Tất cả chiến lược dài hạn có lợi dành cho ông Kim cần có một số lợi ích trong ngắn hạn. Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đang hỗ trợ chính quyền Triều Tiên và có thể cho phép công nghệ hạt nhân thời Liên Xô đến tay Bình Nhưỡng. Ông Kim đã tìm được cho Triều Tiên một người bảo vệ hùng mạnh nhưng sẽ không khôn ngoan nếu ông dựa nhiều vào Nga về lâu dài. Trong khi đó, người Nga cũng có lý do lo ngại vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Những phân tích về lý thuyết trò chơi đối mặt một chỉ trích phổ biến: các cá nhân liên quan thường thiếu thận trọng và lý trí. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy rất nhiều bước đi của Triều Tiên nằm trong chiến lược được tính toán kỹ. Ông Kim ban đầu bị xem là ứng viên không sáng giá để kế nhiệm cha mình nhưng ông đã củng cố quyền lực một cách dứt khoát. Nhà lãnh đạo này phát triển khả năng của tên lửa đạn đạo liên lục địa và mở rộng kho vũ khí hạt nhân nhanh hơn nhiều so với dự đoán của giới quan sát. Ông cũng cho tiến hành những cải cách và giúp nền kinh tế Triều Tiên tăng trưởng cao bất ngờ, trong lúc dường như vẫn duy trì được lòng trung thành của đa số người dân.
Những người từng đàm phán với các quan chức Triều Tiên thường nhận xét họ tinh vi và lý trí dù thỉnh thoảng không nắm bắt đầy đủ thông tin. Tin tốt là ông Kim dường như hành động chừng mực hơn so với những tuyên bố cứng rắn của mình. Các thị trường chứng khoán Mỹ và Hàn Quốc đang đạt những mức cao mới trong khi thị trường Nhật Bản vận hành ổn định - những dấu hiệu cho thấy không có vẻ gì sắp xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Bình luận (0)