Phát biểu với các phóng viên ở thủ đô Canberra, ông Turnbull nhận định nước ngoài đang có những nỗ lực chưa từng có và ngày càng tinh vi để tác động đến tiến trình chính trị ở Úc và thế giới. Ông đặc biệt viện dẫn những thông tin đáng lo được truyền thông địa phương đăng tải về ảnh hưởng của Trung Quốc lên chính trường trong nước.
Úc thuộc số khoảng 1/3 quốc gia trên thế giới cho phép các chính đảng nhận tiền quyên góp từ nước ngoài. Điều này sẽ không còn nữa nếu quốc hội Úc thông qua luật mới, theo đó sẽ tội phạm hóa hành vi can thiệp của bên ngoài vào chính trường trong nước, đồng thời yêu cầu các nhà vận động hành lang cho nước ngoài phải đăng ký.
Tại Úc đang tồn tại mối quan hệ gây tranh cãi giữa một số chính khách Úc và các lợi ích của chính phủ Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Sam Dastyari của Công Đảng đối lập vừa từ bỏ một số vị trí trong đảng sau khi một đoạn video bị rò rỉ cho thấy ông xuất hiện bên cạnh doanh nhân Trung Quốc Huang Xiangmo, một nhà tài trợ chính trị và có phát biểu đi ngược chính sách của đảng đối với vấn đề biển Đông.
Trước đó, hồi tháng 6, truyền thông Úc đưa tin Trung Quốc mở chiến dịch "xâm nhập" chính trường địa phương để thúc đẩy những lợi ích của mình - một cáo buộc bị Bắc Kinh bác bỏ.
Hai ông Sam Dastyari (phải) và Huang Xiangmo tại một cuộc gặp với giới truyền thông Trung Quốc ở TP Sydney - Úc hồi tháng 7-2016 Ảnh: FINANCIAL REVIEW
Ngoài Úc, Trung Quốc còn gây lo ngại trong chính trường Mỹ dù theo một cách thức khác. Hai tuần qua, chứng kiến Washington tăng sức ép lên Bắc Kinh về những vấn đề thương mại và kinh tế. Cuối tháng rồi, Bộ Thương mại Mỹ mở cuộc điều tra chống phá giá, trợ giá nhằm vào tấm hợp kim nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ trình tuyên bố lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), theo đó phản đối cấp quy chế nền kinh tế thị trường cho Trung Quốc.
Chính quyền ông Donald Trump còn đang điều tra những hành vi liên quan đến sở hữu trí tuệ của Bắc Kinh, cũng như xem xét tác động của hoạt động nhập khẩu thép Trung Quốc đối với thâm hụt thương mại và an ninh quốc gia. Dù vậy, ông Derek Scissors, chuyên gia về thương mại tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng những hành động trừng phạt đơn phương của Mỹ, nếu có, chưa đủ để gây ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc bởi với mức thặng dư thương mại với Washington lên đến hơn 300 tỉ USD vào năm ngoái, Bắc Kinh có nhiều thứ để mất hơn nếu cuộc chiến nổ ra.
Nỗi lo về Trung Quốc còn xuất hiện tại 2 nước láng giềng Nepal và Pakistan, đang tham gia vào sáng kiến Vành đai và Con đường. Vào tháng rồi, chính phủ 2 nước này thông báo không tìm kiếm tiền tài trợ từ Trung Quốc cho 2 dự án hạ tầng quy mô lớn. Với Pakistan, lý do chính là không thể chấp nhận "các điều kiện quá khắc nghiệt" của Bắc Kinh dành cho dự án xây đập Diamer-Basha trị giá 14 tỉ USD.
Trong khi đó, Nepal cho biết thỏa thuận xây nhà máy thủy điện trị giá 2,5 tỉ USD với Tập đoàn Gezhouba của Trung Quốc bị hủy do có sai sót.
Bình luận (0)