Đó là ý kiến đăng tải trên tạp chí Foreign Policy (Mỹ).
Theo bài viết, các cam kết phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thất bại, nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc cũng thất bại. Các biện pháp trừng phạt cứng rắn không thành công. Những lời công kích không chỉ bất thành mà còn củng cố lập trường cứng rắn của lãnh đạo Kim Jong-un. Trong hành động khiêu khích mới nhất, Bình Nhưỡng đã bắn tên lửa vào sáng sớm 29-11.
Trước những diễn biến trên, nỗ lực ngăn chặn Triều Tiên tập trung vào sức ép ngoại giao và mối đe doạ từ các cuộc công kích quân sự. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng hành động quân sự có thể châm ngòi chiến tranh.
Trung Quốc có thể điều 30.000 binh sĩ đồn trú tại Triều Tiên tạo đối trọng với lực lượng binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc. Ảnh: Yahoo
Trong nhiều năm qua, chủ đề tranh luận là việc Bắc Kinh có nắm giữ chìa khóa ngăn chặn kịch bản tồi tệ xảy ra hay không. Mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại chính và là nước ủng hộ an ninh mạnh mẽ nhất của chính quyền ông Kim Jong-un nhưng Bắc Kinh lại không mạnh tay trong việc thúc ép Bình Nhưỡng thay đổi chính sách.
Rõ ràng bán đảo Triều Tiên hạt nhân hóa không phải là mối quan tâm của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh dần bị lôi kéo vào chiến dịch đa phương nhằm gây áp lực lên Bình Nhưỡng về mặt kinh tế và chính trị.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc tham gia các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và thực hiện các biện pháp trừng phạt cứng rắn chống lại Triều Tiên, đặc biệt là cam kết cắt giảm hoạt động thương mại giữa hai nước. Song các biện pháp trừng phạt ngoại giao và kinh tế mạnh mẽ nhất cũng bị nghi ngờ không thể ngăn tham vọng theo đuổi hạt nhân và tên lửa của ông Kim Jong-un.
Có lẽ đã đến lúc phải thực hiện một sáng kiến khác: Liệu Trung Quốc có thể trấn an Triều Tiên trong khi Mỹ hậu thuẫn Hàn Quốc?
Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận quốc phòng vào năm 1961 với Triều Tiên về việc Bắc Kinh sẽ giúp Bình Nhưỡng đối phó một cuộc tấn công nhưng sẽ không hỗ trợ chính quyền ông Kim nếu phát động chiến tranh trước.
Lãnh đạo Triều Tiên có thể không nhận thức đầy đủ sự hy sinh của Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 với 3 triệu binh sĩ tham gia, trong đó hơn 380.000 người bị thương và 180.000 người thiệt mạng.
Chính sách đảm bảo an ninh đối xứng có thể bao gồm việc triển khai 30.000 binh sĩ Trung Quốc đồn trú tại Triều Tiên đối trọng với lực lượng binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc.
Nghe có vẻ mâu thuẫn khi khuyến khích Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự ở miền Bắc. Song bước đi này được cho là có khả năng ngăn một cuộc chiến tranh thật sự diễn ra. Do đó, để ngăn sự sụp đổ của các biện pháp không phổ biến vũ khí hạt nhân và nguy cơ xảy ra chiến tranh, Trung Quốc có thể phải cân nhắc điều động một lực lượng quân sự tối thiểu trên bán đảo Triều Tiên.
Bình luận (0)