Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông vừa được công bố của Trung Quốc vấp phải sự phản đối gay gắt từ nhiều nước nhưng thực ra ý tưởng này đã lộ diện từ 4 năm trước.
Đã tính toán nhiều năm
Tại Hội nghị Trung ương 3 giữa tháng 11 vừa qua, Bắc Kinh ra nghị quyết trong đó có điều khoản xây dựng cơ chế kiểm soát phòng không. Theo nhật báo Asahi (Nhật Bản) ngày 29-11, có lẽ đây là quyết sách mở đường cho vùng ADIZ ở biển Hoa Đông.
Trong khi Trung Quốc liên tục khẳng định lập ADIZ là quyền lợi chính đáng và hơn 20 nước đã thiết lập vùng nhận dạng phòng không thì chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama tin rằng Trung Quốc đang muốn vượt qua giới hạn và biến đổi cán cân quân sự trong khu vực vốn do Mỹ cầm chịch. “Trung Quốc đang thách thức trật tự do Mỹ thiết lập. Tuy nhiên, Bắc Kinh không lường trước được Mỹ phản ứng mạnh mẽ như vậy” - một quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói. Theo giới quan sát, dù không nói ra nhưng 2 chiếc B-52 mang theo thông điệp Washington hoàn toàn không có ý định để cho Bắc Kinh tiếp tục lấn lướt tại châu Á - Thái Bình Dương.
Khoanh vùng “đối thủ”
Việc Trung Quốc phản ứng mềm mỏng sau khi máy bay Mỹ, Hàn, Nhật liên tiếp bay vào ADIZ cho thấy có thể Bắc Kinh muốn tránh gây sự cố hoặc là vì quân đội của họ chưa đủ sức buộc các nước tôn trọng quy định mới. Nếu không bị Washington “bật” lại, Trung Quốc có thể hành động tương tự ở các khu vực khác như biển Đông.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 29-11 xác định Nhật Bản là “mục tiêu chính” của Bắc Kinh trong ADIZ. Bài xã luận trên Thời báo Hoàn cầu viết: “Chúng ta cần những biện pháp đáp trả đúng lúc với Nhật Bản nếu nước này thách thức ADIZ. Nếu Mỹ không quá đà, chúng ta không nhắm vào họ trong việc bảo vệ vùng phòng không”. Tờ báo này còn nói có thể “bỏ qua” những chỉ trích của Úc do Bắc Kinh và Canberra không có bất đồng gì lớn. Tương tự với Hàn Quốc, Bắc Kinh “không cần phải thay đổi thái độ” .
Phản đối lan rộng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố Tokyo sẽ cương quyết phản đối ADIZ trên biển Hoa Đông nhưng “với thái độ bình tĩnh”. Dự kiến, Tokyo và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ ra thông cáo phản đối ADIZ của Trung Quốc trong cuộc họp thượng đỉnh tháng 12. Liên hiệp châu Âu (EU) cũng không đồng tình về động thái mới nhất của Trung Quốc. “Bước đi của Trung Quốc sẽ gia tăng căng thẳng trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi các bên hành xử cẩn trọng và kiềm chế” - Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU Catherine Ashton nói hôm 28-11. Để phản ứng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương lớn tiếng: “Hy vọng EU có thể xử lý tình hình khách quan và hợp lý”. Cùng ngày 28-11, Thủ tướng Úc Tony Abbott từ chối rút lại việc phản đối vùng ADIZ của Trung Quốc. Mặc cho Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Canberra, Thủ tướng Abbott vẫn cứng rắn: “Trung Quốc giao thương với chúng tôi vì chính quyền lợi của Trung Quốc”. Ông Abbott cũng khẳng định Canberra là “đồng minh hùng mạnh của Mỹ và là đồng minh hùng mạnh của Nhật”. |
Bình luận (0)