Cương vực Đại Lý bao gồm toàn tỉnh Vân Nam ngày nay, phía Tây Nam giáp Tứ Xuyên và miền Đông Bắc Myanmar; phía Bắc giáp Lào và Tây Bắc Việt Nam. Tổng diện tích Đại Lý lớn gấp 3 lần tỉnh Vân Nam hiện tại (gần 1 triệu km2).
Diệu Hương quốc
Năm 965, sau khi đã thống nhất Trung Nguyên, đại tướng Vương Toàn Bân của nhà Tống nam chinh chiếm vùng Nam Thục (Tứ Xuyên), muốn thừa thế đánh luôn Đại Lý. Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn không đồng ý, cho là nơi man di hung tợn, từng đánh bại quân Đường nên dùng rìu ngọc vạch một đường nơi bờ Đại Độ Hà trên địa đồ, tuyên bố: “Phía ngoài sông trở đi không phải là đất của ta”.
Đó là gốc tích của điển cố “Tống huy ngọc phủ”. Từ đó, Đại Lý được yên thân, luôn giữ phận chư hầu, thường xuyên triều kiến tiến cống Đại Tống. Từ khi lập quốc, Đại Lý đã có chính sách “an phận”, không có dã tâm mở rộng bờ cõi, thay vào đó là xây dựng đất nước theo xu hướng Phật giáo hóa nên người ta gọi Đại Lý là “Diệu Hương quốc”.
Năm 944, Đoàn Tư Bình qua đời, con là Đoàn Tư Anh kế vị. Theo “Vô Vi Tự truyền đăng lục” thì ngày Tư Anh đăng cơ, trời bỗng tối tăm. Chú của Tư Anh là Đoàn Tư Lương có lần trách: “Vua không giống vua, thần không giống thần, tăng chẳng giống tăng, suốt ngày tìm vui, đi săn nơi núi rừng, mỗi tháng hết 15 ngày nơi phật tự, còn ra thể thống gì?”.
Tư Anh đáp: “Thực ra, cháu lên ngôi mới thấy không tự tại, muốn tu hành tích thiện, lạy Phật ăn chay cũng bị chê trách. Lòng của chú là ở thiên hạ, nếu có thể cai trị đất nước thì cháu nguyện nhường ngôi, xuất gia làm tăng”. Ngay hôm sau, Tư Lương lên ngôi còn Tư Anh xuất gia vào Vô Vi Tự, pháp danh Hoằng Tu.
Về việc này có nhiều giả thuyết. Trong đó, có tài liệu cho rằng Đoàn Tư Anh hoang dâm vô độ, bị Đoàn Tư Lương liên kết với tướng quốc Đổng Gia La phế trừ, bức phải xuất gia. Tài liệu khác lại viết do Tư Anh lập mẹ họ Dương làm quốc mẫu, các dòng tộc lớn của Đại Lý lo ngại quyền hạn lấn át nên lập mưu phế trừ.
Đoàn Tư Anh xuất gia trở thành Hoàng Tu đại pháp sư, trụ trì Vô Vi Tự đời thứ 19, mở rộng nơi này thành Hộ Quốc thiền tự, xây dựng Diễn Võ Trường hoành tráng, trở thành trung tâm huấn luyện võ nghệ của con em hoàng gia Đại Lý. Theo Đoàn Tư Anh xuất gia còn có 3 vị đại quan, 8 vị tướng, hơn 100 quần thần văn võ, 500 quân lính, 36 phi tần...
Liên tiếp ba đời xuất gia
Đoàn Tư Lương lên ngôi được 6 năm thì chết. Tiếp theo là các đời vua Đoàn Tư Thông, Đoàn Tố Thuận, Đoàn Tố Anh, Đoàn Tố Liêm, đến đời thứ 7 lại có người xuất gia.
Theo “Đoàn thị truyền đăng lục”, Tố Liêm tại vị có con là Tố Thông mê tửu sắc chết sớm, cháu (con Tố Thông) là Tố Chân còn nhỏ. Người cháu họ là Đoàn Tố Long giỏi văn lẫn võ, làm việc cẩn thận nên lúc sắp mất, Tố Liêm mới triệu đến mà truyền ngôi, là Bính Nghĩa hoàng đế (năm 1022). Tố Long chăm lo quốc sự, họ Đoàn dần mạnh lên.
Tố Chân lớn lên, muốn lấy lại ngôi báu, Tố Long triệu tập quần thần, viết “Bính Nghĩa hoàng đế xuất gia hứa nguyện văn” gửi các châu, quận, ty, phủ. Tháng 6 năm 1026, Tố Long nhường ngôi cho Tố Chân, xuất gia tại Vô Vi Tự, pháp danh Phạn Thông pháp sư, quân tướng theo rất đông. Tố Chân khẩn khoản rằng: “Chú vốn tinh thông võ nghệ, nay tướng sĩ cùng chú xuất gia rất nhiều, nếu trong nước xảy ra chuyện gì thì biết làm sao?”. Phạn Thông pháp sư hứa rằng nước có việc thì hòa thượng cùng chung gánh. Tố Chân rất mừng.
Phạn Thông pháp sư tinh về đao pháp, kiếm pháp, trở thành trụ trì của Vô Vi Tự, mở ra Sùng Võ Đường, lập đội La Hán tăng binh võ nghệ cao cường, dũng mãnh khác thường và đều thọ giới tỳ kheo. Phạn Thông pháp sư viên tịch năm 80 tuổi.
Đoàn Tố Chân tại vị được 15 năm. Một hôm, Tố Chân mơ thấy mình đi săn ở Tuyết Sơn, bão dữ nổi lên, quần thần chạy đâu hết. Tố Chân thấy Phật tổ xuất hiện, bảo rằng: “Tâm có Phật ắt sinh Phật, trì thiện là Phật, Phật tức ý niệm, vượt qua bể khổ”.
Ngay sáng hôm sau, Tố Chân triệu tập quần thần, thiền vị nhường ngôi cho Tố Hưng rồi nhập Vô Vi Tự xuất gia, thành trụ trì đời thứ 15, đạo hiệu Phục Long pháp sư. Sau ông làm trụ trì Sùng Thánh Tự, đi sang Thiên Trúc rồi từ Tây Vực về Đôn Hoàng, vào Trường An, lên núi Ngũ Đài, Nga Mi… khổ học Phật pháp. Cuối đời, ông về Lãng Khung - Đại Lý, lập Lan Nhã Tự rồi mất năm 79 tuổi.
Thiên Minh hoàng đế Đoàn Tố Hưng là vị vua thứ 10 và là kẻ ăn chơi trác táng nhất của vương triều Đại Lý. Chỉ 3 ngày sau khi đăng cơ, Tố Hưng ra lệnh tuyển chọn mỹ nữ ở Đông Đô, xây dựng hành cung nguy nga ở Ngọc Án Sơn. Chỉ trong 5 năm, Tố Hưng tiêu tốn hết 5 kho vàng bạc với hơn 60 vạn cân trong tổng số 12 kho của Đại Lý. Quần thần và quốc dân căm phẫn, gọi Tố Hưng là “bại quốc chi quân”, mật nghị phế trừ, lập Đoàn Tư Liêm là chắt của Đoàn Tư Bình lên thay. Tướng quốc Cao Trí Thăng vào Đông Đô tuyên chiếu, trừ bỏ đế hiệu, thu ngọc tỷ, phế Tố Hưng làm dân, bắt ra ở quận Hà Dương.
Năm 1045, Đoàn Tư Liêm lên ngôi, tại vị 30 năm. Mới tuổi 49, ông đã thấy mệt mỏi nên triệu tập quần thần truyền ngôi lại cho con trưởng là Đoàn Liêm Nghĩa, còn mình xuất gia tại Vô Vi Tự, pháp danh Quảng Đức. n
Xem ngai vàng như dép rách!
Xem cách viết trong “Đoàn thị truyền đăng lục” hay “Vô Vi Tự truyền đăng lục” thì nhiều vị hoàng đế Đại Lý xem ngai vàng như dép rách, sẵn sàng từ bỏ ngôi báu để sống cuộc đời tự tại của tăng nhân. Khả năng này cho dù là có đi nữa thì cũng rất hiếm. Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến các đời vua Đại Lý thường xuất gia là do tục lệ tôn sùng đạo Phật, nhập đạo để duy trì sự chính thống cho các đời sau; kế đến là do thất bại trong việc tranh giành quyền lực, chính quyền bất ổn...
Kỳ tới: Hoàng đế tiêu dao Đoàn Chính Minh
Bình luận (0)