Sách Trắng Chính sách Đối ngoại của Úc công bố hôm 23-11 nhấn mạnh sự ủng hộ của nước này với Mỹ, bên cạnh đó cảnh báo mạng lưới an ninh mà Canberra đã dựa vào trong quá khứ đang ngày càng chịu áp lực do sự chuyển đổi quyền lực.
Đây là Sách Trắng về chính sách đối ngoại đầu tiên của nước này trong 14 năm qua.
"Để tạo ra sự cân bằng tại Ấn Độ - Thái Bình Dương mang lại lợi ích cho chúng ta và thúc đẩy một khu vực cởi mở toàn diện và phát triển trên nền tảng các luật lệ, Úc sẽ hợp tác gần gũi hơn với các nền dân chủ lớn trong khu vực, mang tính song phương cũng như trong các nhóm nhỏ" - Sách Trắng cho biết, đồng thời nói thêm Úc sẽ tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ và Hàn Quốc.
"Liên minh của chúng ta với Mỹ là trung tâm giúp Úc tiếp cận Ấn Độ - Thái Bình Dương… Hôm nay, Trung Quốc đang thách thức vị trí của Mỹ" - Sách Trắng nhấn mạnh.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull và Ngoại trưởng nước này, Julie Bishop tiết lộ Sách Trắng Chính sách Đối ngoại của Úc. Ảnh: REUTERS
Bản Sách Trắng được Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull và Ngoại trưởng nước này, Julie Bishop, công bố nói trên là Sách Trắng thứ 3 trong lịch sử Úc.
"Trong quá khứ, chúng ta có thể cho rằng thế giới hoạt động theo một cách phù hợp với Úc" – ông Turnbull nói với báo giới ở Canberra hôm 23-11. "Nay quyền lực đang chuyển đối và các luật lệ cũng như các thể chế đang bị thách thức"- thủ tướng Úc nói thêm.
Ông nhấn mạnh: "Chúng ta đang trải qua thời điểm thịnh vượng và cơ hội chưa từng có tiền lệ nhưng trật tự tự do, dựa trên luật lệ vốn để chống đỡ điều đó đang chịu nhiều áp lực hơn bao giờ hết kể từ khi nó được hình thành vào những năm 1940.
Sách Trắng cũng cảnh báo sự xáo trộn về chính trị và chủ nghĩa dân tộc kinh tế đang trỗi dậy ở nhiều quốc gia, những nước mạnh đang phớt lờ hoặc làm xói mòn luật pháp quốc tế.
"Ấn Độ - Thái Bình Dương" cũng chính là thuật ngữ được Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng trong chuyến công du vừa rồi tới châu Á, xác định lại trọng tâm đối với khu vực bằng cách dịch chuyển sự nhấn mạnh khỏi Trung Quốc – nhân tố chủ chốt tại khu vực "châu Á - Thái Bình Dương" sang Ấn Độ và Ấn Độ Dương.
Ý tưởng sáng kiến an ninh bốn bên được khởi xướng trước tiên từ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe năm 2007 nhưng do sự thận trọng trong quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ và Úc ban đầu tỏ ra do dự.
Theo chuyên gia quan hệ quốc tế Xu Liping từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, việc kêu gọi vai trò mạnh mẽ của Mỹ trong khu vực phản ánh những thay đổi toàn cầu.
"Chính sách Nước Mỹ trên hết của chính quyền Tổng thống Trump đã làm suy yếu liên minh Mỹ-Úc truyền thống và khiến nước Úc lo sợ; và khi Bắc Kinh tiếp tục mở rộng sức mạnh kinh tế, ngoại giao và quân sự, Úc rất sáng suốt khi đi theo một chiến lược linh hoạt và nhanh nhạy hơn trong đối phó với Bắc Kinh" - ông Xu nhận định.
Cuộc gặp giữa Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN hồi đầu tháng này đã củng cố thêm triển vọng của một khối nổi lên chống lại sự mở rộng chiến lược của Bắc Kinh.
Sách Trắng nói trên cũng khẳng định Úc đặc biệt quan ngại bởi tốc độ và quy mô chưa từng thấy của các hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông.
Bình luận (0)