Quyền Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov hôm 27-2 tuyên bố lực lượng quân đội nội bộ và cảnh sát được đặt trong tình trạng báo động sau khi 2 tòa nhà nghị viện và chính phủ Cộng hòa tự trị Crimea bị chiếm giữ.
Nga tăng cường xe bọc thép bảo vệ Hạm đội Biển Đen
Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng Crimea Anatoly Mogilev xác nhận 2 tòa nhà bị chiếm giữ lúc 4 giờ sáng bởi các tay súng mặc đồng phục không có huy hiệu. Sau đó, hãng tin RIA Novosti thông báo lực lượng tự vệ của cư dân nói tiếng Nga tại Crimea đã nhận trách nhiệm vụ chiếm giữ này.
Ông Sergei Kunitsyn - đại biểu quốc hội Ukraine thuộc Đảng UDAR, cựu Thủ tướng Crimea - tiết lộ với phóng viên báo Ukrainskaya Pravda rằng hơn 120 người có vũ trang chiếm giữ 2 tòa nhà là những tay súng được huấn luyện chuyên nghiệp. Ông cũng cho biết vũ khí họ trang bị có thể phòng thủ cả tháng trời.
Hàng trăm người cầm cờ Crimea và cờ Nga tập trung trước tòa nhà nghị viện Crimea hôm 27-2
Ảnh: EPA
Trong khi đó, hãng tin UNIAN đưa tin nhân viên tình báo Ukraine đã được lệnh điều động đến làng Ukromnoye gần thủ phủ Symferopol của Crimea để chặn đoàn xe bọc thép của Nga. Cũng theo hãng tin trên, 7 xe bọc thép Nga được tăng cường để bảo vệ các cơ sở của Hạm đội Biển Đen của nước này đặt tại Crimea.
Phản ứng trước sự kiện trên, Tổng thống tạm quyền Ukraine Alexander Turchynov tuyên bố hành động chuyển quân của Hạm đội Biển Đen vượt ngoài thỏa thuận song phương và Ukraine xem đó là sự xâm lược quân sự. Ông Turchynov cũng tuyên bố đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan thực thi pháp luật “xử lý những tên tội phạm” chiếm giữ tòa nhà quốc hội Crimea.
Sau đó, đoàn xe bọc thép Nga trở lại địa điểm đóng quân thường trực. Nhà chức trách Crimea cho rằng qua hành động trên, Nga muốn biểu dương lực lượng và cho thấy Moscow sẵn sàng bảo vệ các cơ sở quân sự của mình. Cùng ngày, hãng tin RIA Novosti cho biết Moscow đã đồng ý bảo đảm an ninh cho cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych trên lãnh thổ Nga.
Các tay súng cắm cờ Nga lên 2 tòa nhà chính quyền Crimea đặt tại thủ phủ Symferopol.
Nguồn: AP
Nguy cơ nội chiến
Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen kêu gọi Nga kiềm chế, không đổ thêm dầu vào điểm nóng Crimea. Sau cuộc gặp gỡ bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên, ông Rasmussen tuyên bố quan hệ với Ukraine là cực kỳ quan trọng đối với khối này.
Trước đó, ngày 26-2, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu bộ này kiểm tra đột xuất tính sẵn sàng chiến đấu của 2 quân khu miền Trung và miền Tây, khu vực giáp với Ukraine.
Ngay sau đó, Mỹ lên tiếng cảnh báo Nga rằng can thiệp quân sự vào Ukraine sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Phát biểu trên kênh truyền hình NBC, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh: “Bất kỳ quốc gia nào cũng phải tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của Ukraine. Nga đã khẳng định sẽ làm như vậy, còn chúng tôi nghĩ rằng Nga giữ lời”. Theo ông, Washington và Moscow không nên quay lại tình trạng đối đầu như thời chiến tranh lạnh. Ông quả quyết: “Mỹ không tìm cách đối đầu với Nga”.
Đài CNN nhận định nỗi lo sợ lớn nhất của Mỹ, Liên hiệp châu Âu và NATO là Nga đưa quân vào Ukraine. Ông Peter Brookes, cựu giới chức Lầu Năm Góc, lo lắng: “Tôi không nghĩ rằng xe tăng Nga nhất thiết phải lăn xích vào Crimea nhưng Nga có rất nhiều lợi ích ở đó. Nếu xảy ra bạo lực nhằm vào người gốc Nga ở đây, không loại trừ khả năng Moscow sẽ can thiệp”.
Quân đội Nga được lệnh kiểm tra tính sẵn sàng chiến đấu. Nguồn: AP
Tình hình hiện nay ở Ukraine nhắc ông Brookes nhớ đến cuộc xung đột ở Georgia năm 2008, khi Nga cấp hộ chiếu cho những người Georgia gốc Nga, đồng thời khẳng định họ là những công dân cần được bảo vệ. Khi đó, Nga cũng tập trận trước khi đưa quân vào Georgia.
Nhà phân tích chính trị Nga Leonid Polyakov nhận định cần phải nỗ lực tối đa để Crimea, với gần 60% dân cư là người Nga, thoát khỏi cuộc nội chiến. Theo ông, sự phức tạp của tình hình càng tăng thêm khi cộng đồng người Tatar trên bán đảo này đề nghị thành lập Cộng hòa tự trị Crimea-Tatar và điều đó sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn hơn nữa, gây mất ổn định cả ở Crimea lẫn Ukraine.
4% người Nga xem Ukraine là “thân thiện”
Trong cuộc thăm dò do Trung tâm Levada tiến hành gần đây với 1.603 người, 40% người được hỏi có thái độ tích cực với Ukraine, trong đó 4% mô tả quan hệ 2 bên là “thân thiện”, 10% cho là “láng giềng” và 26% nhận xét “bình thường".
Tuy nhiên, có đến 54% người được hỏi thể hiện cái nhìn tiêu cực với 31% mô tả quan hệ song phương là “lạnh lẽo”, 21% nói “căng thẳng” và 2% cho là “thù địch”. 6% người được hỏi không trả lời.
Ngoài ra, theo một cuộc thăm dò của Viện Xã hội học quốc tế Kiev, khoảng 43%-46% dân cư Ukraine sử dụng tiếng Nga. Trong đó, đại đa số người dân ở các khu vực miền Nam và miền Đông Ukraine giao tiếp bằng tiếng Nga. Riêng ở Crimea, có đến 77% dân số sử dụng tiếng Nga trong khi chỉ 10,1% nói tiếng Ukraine.
Bình luận (0)