Sáng 17-3, Nhật hoàng Akihito chủ trì lễ đón trọng thể với những nghi thức cao nhất của hoàng gia dành cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại hoàng cung Nhật Bản.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Nhật hoàng Akihito cùng đánh giá cao thành công của việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong Năm Hữu nghị Việt - Nhật 2013. Nhật hoàng và Hoàng hậu Michiko cũng cảm ơn những tình cảm và sự hỗ trợ từ phía Việt Nam, đặc biệt là sau thảm họa động đất sóng thần năm 2011.
Cũng trong sáng 17-3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp ông Masihiro Sakane, Phó Chủ tịch Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren) và tham dự tọa đàm chính sách với lãnh đạo các tập đoàn lớn nhất Nhật Bản.
Theo Chủ tịch nước, các khuôn khổ, cơ chế hợp tác được thiết lập giữa Keidanren và Việt Nam như Sáng kiến chung Việt - Nhật hay đối thoại chính sách đã góp phần tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn hơn tại Việt Nam. Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp Nhật chú trọng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo để cung cấp nhân lực có chất lượng cao cho nền kinh tế.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (trái) và Nhật hoàng Akihito tại lễ đón tiếp ở hoàng cung sáng 17-3
Ảnh: REUTERS
Trong ngày, Chủ tịch nước cũng tiếp Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hiroyuki Ishige. Trong cuộc khảo sát mới đây của JETRO, 70% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam muốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn với nỗ lực từ 2 phía, đầu tư của Nhật vào Việt Nam sẽ không chỉ dừng ở 35 tỉ USD và kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mức 50 tỉ USD trước năm 2020.
Ông Ishige cũng cho biết phía Nhật sẽ không tập trung vào lắp ráp, thay vào đó là chuyển giao công nghệ và sản xuất linh kiện tại Việt Nam.
Chiều 17-3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt-Nhật tại Tokyo. Chủ tịch nước nhấn mạnh với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, Việt Nam không chỉ là cửa ngõ quan trọng của tiểu vùng Mekong mà còn trở thành hạt nhân tích cực của Đông Nam Á.
Lần đầu tiên Việt Nam tiến hành đồng thời đàm phán về khu vực thương mại tự do với tất cả các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới.
Với triển vọng hoàn tất 14 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giai đoạn 2015-2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20). Cũng như Nhật Bản, Việt Nam hết sức coi trọng tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Dự kiến ngày 18-3, Chủ tịch nước sẽ phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản và chiều cùng ngày hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe về hợp tác an ninh, thúc đẩy đầu tư, thương mại, các dự án viện trợ ODA... Hợp tác an ninh biển cũng là một chủ đề lớn được đề cập.
Bình luận (0)