Hơn 1/4 nhu cầu khí đốt của châu Âu trông chờ vào Nga và 80% số đó phải đi qua đường ống dẫn ở Ukraine. Ảnh: Business Insider.
Chỉ cần nhìn thoáng qua bản đồ đường ống dẫn khí đốt đã không khó để nhận ra những đường ống chằng chịt từ Nga tới hàng loạt nước châu Âu. Trong đó, không ít đường chạy qua Ukraine. Tờ Business Insider nhấn mạnh nếu ai đó còn nghi ngờ về vị trí chiến lược của Ukraine, chỉ cần nhìn vào tấm bản đồ này sẽ có câu trả lời ngay lập tức. Cả Ukraine và châu Âu hẳn vẫn chưa quên tình cảnh khốn khổ trong những lần thiếu khí đốt từ Nga trước đó.
Ảnh: Bloomberg. Các đường ống dẫn dầu có đầu vào (mũi tên đỏ) từ Nga và đầu ra (mũi tên xanh) tại châu Âu chạy qua Ukraine.
Hồi tháng 12-2013, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã gạt sang một bên thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) để tiến gần hơn với Nga. Đổi lại, Kiev nhận được gói hỗ trợ 20 tỉ USD với chiết khấu đậm, khoảng 30%, đối với giá khí đốt của Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga. Sau khi ông Yanukovych bị lật đổ hôm 22-2, Moscow tuyên bố ngừng viện trợ và cũng không định tiếp tục giảm giá khí đốt cho Kiev.
Gazprom - vốn kiểm soát 1/5 trữ lượng khí đốt của thế giới, cung cấp hơn một nửa khí đốt cho Ukraine hằng năm - khẳng định rằng cho tới nay, Kiev đang còn nợ 1,55 tỉ USD tiền khí đốt và chưa có dấu hiệu định trả nợ. Đây không phải lần đầu tiên Nga dùng việc xuất khẩu khí đốt để gây áp lực lên các nước láng giềng. Hậu quả là tổn thương không chỉ có một mình Ukraine. Bởi Nga vẫn là nguồn cung khoảng 30% khí đốt cho châu Âu, chủ yếu phải đi qua Ukraine.
Nga vẫn là nguồn cung khoảng 30% khí đốt qua châu Âu, chủ yếu phải đi qua Ukraine.
Vào cuối năm 2005, Gazprom tuyên bố có kế hoạch tăng giá bán khí đốt cho Ukraine từ 50 USD/1.000 mét khối lên 230 USD/1.000 mét khối. Lúc bấy giờ, Ukraine - vốn đang quan hệ ngày càng mật thiết với EU và NATO - lớn tiếng tuyên bố không chấp nhận. Vào ngày 1-1-2006, thỏa thuận giữa hai nước thất bại, Gazprom khóa van khí đốt.
Hậu quả lập tức xảy ra, không chỉ với Ukraine. Lý do đơn giản là hơn 1/4 nhu cầu khí đốt của châu Âu trông chờ vào Nga và 80% số đó phải đi qua đường ống dẫn ở Ukraine. Áo, Pháp, Đức, Hungary, Ý và Ba Lan sớm thông báo áp suất khí đốt trong các đường ống từ Nga tới đã giảm 30%.
Vấn đề sau đó cũng được giải quyết thông qua một thỏa thuận cực kỳ phức tạp. Theo đó, Ukraine mua khí đốt từ Nga (nguyên giá) và Turkmenistan (giá giảm) thông qua một công ty con của Gazprom đăng ký ở Thụy Sĩ. Châu Âu lúc bấy giờ nói nhiều về những đe dọa từ việc quá phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhiên liệu của Nga. Tuy nhiên, 3 năm sau, cuộc khủng hoảng tương tự lại xảy ra. Gazprom yêu cầu tăng giá từ 250 USD lên 400 USD, Kiev từ chối thẳng thừng.
Vào đúng ngày đầu năm mới 2009, Gazprom bắt đầu bơm lượng khí đốt đủ đáp ứng nhu cầu của các khách hàng ngoài Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine sau đó bị cáo buộc đã “bòn rút” số nhiên liệu để phục vụ cho nước mình. Moscow lập tức cắt toàn bộ nguồn cung cấp khí đốt. Khi nhiệt độ dưới 0 độ C ùa qua nhiều khu vực Đông Nam châu Âu, những nước phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt đi qua Ukraine cạn nhiên liệu. Có nơi đóng cửa trường học và các văn phòng công quyền. Bulgaria đóng cửa nhiều nhà máy công nghiệp chính; Slovakia tuyên bố tình trạng khẩn cấp... Khu vực Tây Bắc châu Âu vốn bắt đầu dự trữ khí đốt từ năm 2006, ít bị ảnh hưởng hơn nhưng cũng không khỏi điêu đứng trước tình trạng giá khí đốt trọn gói tăng ngất ngưởng, đến nỗi Brussels tuyên bố tình trạng đó “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Đường dẫn khí xuyên Siberia - một trong những đường xuất khẩu khí đốt chính của Nga ở Ukraine. Ảnh: Bloomberg
Thế nên, cuối tuần trước, khi Gazprom tỏ ý bắt đầu tính giá 400 USD mỗi 1.000 mét khối khí đốt bán cho Ukraine, thay vì giá 270 USD dưới thời Yanukovych, nhiều người châu Âu không khỏi hồi tưởng về những mùa đông lạnh giá từ hậu quả mỗi lần hai nước này “giận dỗi” trước đó. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia công nghiệp châu Âu đang ra sức xoa dịu tình hình. Họ khẳng định thế giới đã thay đổi kể từ năm 2009 và sức mạnh từ nguồn khí đốt của Nga không còn như xưa. Châu Âu không còn phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga như trước nhờ mùa đông bớt lạnh hơn. Hơn thế, châu Âu cũng đã chi hàng tỉ USD để tự trang bị các hệ thống năng lượng gió.
Tuy nhiên, dù có ít nhiều tự tin vào nguồn năng lượng thay thế của mình, châu Âu và Ukraine vẫn đang tăng cường mua khí đốt Nga để chuẩn bị cho việc mất hoàn toàn nguồn nhiên liệu này cũng như khả năng giá khí đốt tăng.
Hôm 3-3, Bộ trưởng Năng lượng và Than đá Ukraine Yuriy Prodan khẳng định nước này đã sẵn sàng đảm bảo không làm gián đoạn việc cung cấp khí đốt từ Nga cho châu Âu, bất chấp các căng thẳng chính trị đang diễn ra. Ông cũng cho biết Ukraine đã lên kế hoạch trả từng phần khoản nợ khí đốt cho Tập đoàn Gazprom của Nga trong tương lai gần.
Bình luận (0)