xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vụ máy bay chở 239 người mất tích: Người thân lo lắng, giận dữ

Hoài Vy - Phương Võ

Sự kiện chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines, với 153 công dân Trung Quốc trong số 239 người trên máy bay, biến mất không một dấu vết là đề tài hàng đầu được bàn luận trên mạng xã hội Weibo ở Trung Quốc

Bạn bè và người thân của các hành khách trên máy bay đang chờ đợi tin tức tại khách sạn Lido ở Bắc Kinh - Trung Quốc. Nhiều người không giấu vẻ mệt mỏi và lo lắng.

Gia đình người bị nạn không được báo tin

Theo báo The Christian Science Monitor, không ít người đã thẳng thắn chỉ trích hãng hàng không về cách xử trí vụ mất tích máy bay kể trên cũng như đã không cung cấp thông tin cho người thân của hành khách.

Một phụ nữ trung niên cố không bật khóc khi một nhóm nhà báo vây quanh bà. Bà đã đi xe lửa từ Thượng Hải đến Bắc Kinh sau khi nghe tin về chuyến bay đó chiều 8-3 bởi em trai chồng bà có mặt trên máy bay. Bà than phiền: “Hãng hàng không đã không liên lạc với tôi. Tôi chẳng hiểu hãng làm ăn kiểu gì nữa. Lẽ ra, họ phải liên lạc với các gia đình hành khách trước. Tôi chẳng có tin tức gì cả. Tôi rất lo lắng”.

 

Một người thân của hành khách trên chiếc máy bay mất tích đau buồn tại Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 9-3Ảnh: REUTERS
Một người thân của hành khách trên chiếc máy bay mất tích đau buồn tại Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 9-3 Ảnh: REUTERS

 

Một phụ nữ trung niên khác bày tỏ: “Chúng tôi chỉ biết chờ đợi. Chúng tôi không nhận được bất kỳ thông báo trực tiếp nào, riêng tôi phải tìm kiếm thông tin trên mạng. Chúng tôi cần Malaysia Airlines công bố tin chính xác”.

Trong khi đó, khoảng 50 người thân và bạn bè của các hành khách mất tích chờ đợi tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur - Malaysia vẫn tỏ ra hy vọng dù không khỏi lo lắng. Anh Afiz Ayub, 30 tuổi, nói: “Chúng tôi vẫn lạc quan. Chúng tôi chỉ chấp nhận thông tin chính thức chứ không phải là các tin đồn”. Báo The Star đưa tin chỉ vài người trong số họ khóc trong khi hầu hết tỏ ra bình tĩnh.

Lúc 18 giờ 30 phút ngày 9-3, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Tun Razak đã đến gặp gỡ họ trong khoảng 30 phút.

Mở rộng phạm vi tìm kiếm

Hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) hôm 9-3 thừa nhận họ lo sợ điều tệ hại nhất đã xảy ra với chiếc máy bay Boeing 777-200 chở 239 người mất tích hơn một ngày qua.

Trong lúc này, một chiến dịch tìm kiếm khổng lồ đang được tiến hành tại vùng biển tiếp giáp giữa Malaysia và Việt Nam, nơi chiếc máy bay có lần liên lạc cuối cùng trước khi mất tích nhưng vẫn chưa có phát hiện đáng kể nào. Tư lệnh lục quân Malaysia Zulkifeli Mohd Zin hôm 9-3 cho biết 22 máy bay và 40 tàu của các nước Malaysia, Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ, Singapore, Thái Lan, Philippines đang tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Ngoài ra, Malaysia còn tiến hành cuộc tìm kiếm trên đất liền thông qua việc sử dụng trực thăng.

Bàn bạc phương án tìm kiếm trước khi thủy phi cơ xuất phát Ảnh: QUÝ LÂM

Bàn bạc phương án tìm kiếm trước khi thủy phi cơ xuất phát Ảnh: QUÝ LÂM

Theo báo The Strait Times, cuộc tìm kiếm đã được mở rộng đến eo biển Malacca, nhất là vùng biển quanh đảo Penang, sau khi có phát hiện nêu trên.

Phát biểu tại Bắc Kinh hôm 9-3, ông Li Jiaxiang, Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, cho biết một số mảnh vụn đã được nhìn thấy tại vùng biển giữa Malaysia và Việt Nam nhưng hiện chưa rõ chúng có phải đến từ chiếc máy bay bị mất tích hay không.

Trong khi đó, theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hồng Kông), trên mạng xã hội Trung Quốc vừa đăng tải các bức ảnh cho thấy nhiều mảnh vụn trên mặt biển ở khu vực nơi chiếc máy bay mất liên lạc.

Những bức ảnh này được cho là do một hành khách người Trung Quốc chụp từ trên một chiếc máy bay khác của MAS bay từ Bắc Kinh và hạ cánh ở Kuala Lumpur sáng 9-3. 

 

Tạo mọi điều kiện để các nước tìm kiếm

Ngày 9-3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị về việc máy bay MH370 của MAS mất tích ngày 8-3.

Phó Thủ tướng bày tỏ sự chia sẻ và quan tâm sâu sắc đối với sự lo lắng của chính phủ, nhân dân Trung Quốc và các nước liên quan cũng như gia đình, thân nhân các hành khách có mặt trên chuyến bay MH370. Phó Thủ tướng khẳng định Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam tạo mọi điều kiện và phối hợp cùng lực lượng cứu hộ của Trung Quốc cũng như các nước liên quan tham gia tìm kiếm trong khu vực nghi máy bay mất tích và giải quyết các công việc liên quan tiếp theo.

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị gửi lời cảm ơn chân thành của chính phủ và nhân dân Trung Quốc đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự quan tâm, hỗ trợ hết sức kịp thời, tích cực của Việt Nam.

B.Diệp

 

Giả định các tình huống máy bay gặp nạn

Tại cuộc họp lúc 10 giờ ngày 9-3 của Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không, ông Đinh Đức Tuấn - Phó Trưởng Ban An toàn chất lượng an ninh của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA), người có thâm niên lái máy bay Boeing 777, đồng thời là giáo viên dạy bay và là thanh tra bay của Cục Hàng không Việt Nam - đã phân tích về việc mất liên lạc đột ngột của máy bay Malayisa.

Theo ông Tuấn, trường hợp thứ nhất, khi máy bay rơi, thời tiết hoàn toàn tốt nên nhiều khả năng bị hở bụng khí. Theo ước lượng, máy bay rơi từ độ cao 10.000 feet (1 feet tương đương 30,48 cm). Trong trường hợp này, chiếc Boeing 777-200ERR vẫn có khoảng 5 phút để liên lạc lại với trung tâm.

Trường hợp thứ hai, máy bay có thể “chết” cả 2 động cơ cùng lúc. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết thuận lợi như thời điểm chiếc MH370 của Malaysia biến khỏi màn hình radar, máy bay vẫn có thể “lướt” thêm 20 phút. Thời gian này quá đủ cho tổ lái liên lạc về trung tâm báo cáo tình hình và xin triển khai tình huống khẩn nguy.

Trường hợp thứ ba, có thể bị kẹt động cơ nhưng theo thống kê của nhà chế tạo máy bay Boeing, chỉ có 9% gặp nạn động cơ. Hơn nữa, Boeing 777 có động cơ độc lập nên khó xảy ra trường hợp này.

Một trường hợp khác có thể gặp là cháy hoặc khói trong buồng lái. Khi đó, phi công phải hạ độ cao xuống rất nhanh song vẫn đủ thời gian để thông báo về trung tâm.

Sau khi đưa ra các giả thuyết, ông Đinh Đức Tuấn nhận định: “Tại thời điểm máy bay biến mất, không có hiện tượng thời tiết đặc biệt. Do vậy, chỉ có 2 yếu tố kỹ thuật và tác động của con người. MH370 cùng lúc vừa mất liên lạc hoàn toàn vừa mất liên lạc thông tin với radar dưới mặt đất. Chỉ có người cố tình can thiệp, tắt hệ thống trên máy bay mới có thể mất liên lạc cùng lúc. Vì vậy, yếu tố con người như đánh bom, khủng bố được đặt ra nhiều hơn” - ông Tuấn nhận định.

Trong quá trình tìm kiếm, cứu nạn, Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không cũng nhận được thông tin của Cục Hàng không Liên bang Mỹ cho rằng máy bay có thể rơi ở ngoài khơi phía Bắc tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, thông tin này sau đó đã bị phía Mỹ hủy bỏ.

Đến hết ngày 9-3, Việt Nam với tư cách là quốc gia hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn chiếc máy bay Malaysia mất tích không đưa ra bất cứ tuyên bố nào về khả năng máy bay bị khủng bố.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Lại Xuân Thanh, lý giải do tổ lái của máy bay MH370 không liên lạc với FIR Việt Nam (vùng thông báo bay Việt Nam) nên đài không lưu Việt Nam không kiểm soát hoạt động bay của MH370 và không có cơ sở để nhận định. Các chuyên gia hàng không Việt Nam cũng băn khoăn về việc trên máy bay Boeing777-200ER có gắn thiết bị định vị khẩn nguy ELT.

Thiết bị này có tác dụng phát tín hiệu khi gặp nạn, kể cả rơi xuống biển hay đất liền. Khi gia tốc máy bay thay đổi đột ngột, thiết bị ELT được kích hoạt, phát tín hiệu cứu nạn lên vệ tinh. Các trạm vệ tinh đặt tại châu Mỹ, Tokyo - Nhật là nơi gần điểm IGARI (điểm được đánh dấu ở vị trí máy bay Malaysia biến mất khỏi màn hình radar) nhất sẽ bắt được tín hiệu, truyền hoặc gửi điện về cho vệ tinh mặt đất tại nơi gần vị trí máy bay gặp nạn, trong đó có trạm vệ tinh mặt đất LUT của Cục Hàng hải Việt Nam. Tuy nhiên, các trạm vệ tinh nói trên đã không bắt được bất kỳ tín hiệu SOS nào, kể cả tín hiệu giả hoặc tín hiệu từ MH370.

Tô Hà

 

Việt Nam tăng cường an ninh hàng không

Bộ Giao thông Vận tải vừa có lệnh tăng cường kiểm soát an ninh hàng không lên cấp độ 1 tại tất cả sân bay của Việt Nam.

Theo đó, từ ngày 9-3, tại các khu vực hạn chế, cảng vụ hàng không thực hiện tăng cường số lượng nhân viên an ninh, không cho người không có phận sự ra/vào khu vực hạn chế. Lực lượng an ninh cũng được lệnh tăng cường kiểm tra người bằng máy dò kim loại cầm tay và kiểm tra trực quan ở mức 7% so với mức 5% khi bình thường. Đồng thời, tăng tỉ lệ khách được phỏng vấn khi làm thủ tục an ninh, nâng tần suất kiểm tra trực quan ngẫu nhiên lên 10% hành khách và hành lý xách tay qua cổng từ mà không có tín hiệu báo động. Tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, lực lượng an ninh được tăng thêm 40% quân số trực, kiểm tra giám sát cả ở khu vực bên trong và bên ngoài sân bay.

Đặc biệt, khi làm thủ tục bay, hành khách được khuyến cáo không mang, xách hộ đồ đạc của người khác, nhất là người không quen biết. Một cán bộ của Vietnam Airlines (VNA) tại sân bay Tân Sơn Nhất cho biết đây là điều tối kỵ khi đi máy bay vì trong thực tế, đã có nhiều trường hợp mắc bẫy tội phạm vì lòng tốt. Không chỉ hành khách mà cả người trong ngành hàng không cũng gặp họa.

Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc VNA, cho biết chính VNA đề nghị tăng cường kiểm soát an ninh nhằm bảo đảm áp dụng một loạt biện pháp an toàn an ninh ở cấp độ cao nhất với mạng bay Việt Nam. Đề nghị này xuất phát từ vụ máy bay Boeing777-200ER của Malaysia mất tích và cũng từ thực tế phát hiện khá nhiều trường hợp khách quá cảnh có hộ chiếu giả để nhập cư lậu.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo