Mùa lễ hội Karneval tại Đức chính thức mở màn vào ngày 11-11 hằng năm, đúng lúc 11 giờ 11 phút sáng. Người Đức gọi lễ hội mang đậm nét văn hóa châu Âu này là "mùa thứ năm".
Lễ hội trải dài trong 3 tháng, cho đến tận tháng 2 năm sau trong các hội đoàn. Đỉnh điểm náo nhiệt là các cuộc diễu hành lớn trên đường phố vào khoảng giữa tháng 2, trước ngày thứ tư lễ tro (ngày bắt đầu tuần chay của người Kitô giáo). Năm nay, lễ hội đường phố rơi vào các ngày từ 19 đến 22-2.
Karneval trong tiếng Latin có nghĩa là "tạm biệt món thịt". Mùa chay bắt đầu từ ngày thứ tư lễ tro và kéo dài 6 tuần cho đến lễ Phục sinh.
Vào mùa chay, các tín đồ Kitô giáo không được phép ăn thịt và uống rượu, không được làm điều xấu, thể hiện sự ăn năn, sám hối với các lỗi lầm trước đây. Do đó, mục đích của Karneval là để mọi người vui chơi, tận hưởng, ăn uống thật thoải mái trước khi bước vào mùa chay.
Những chiếc máy cày, máy kéo... được trang trí ngộ nghĩnh tham gia diễu hành
Tại TP Giessen nơi tôi đang sinh sống, lễ hội hóa trang đường phố diễn ra vào ngày 19-2 vừa qua. Sau hơn 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh, lễ hội năm nay thu hút sự quan tâm rất lớn. Rất nhiều cơ quan, hãng xưởng, các nhãn hàng, nông trường, doanh nghiệp và câu lạc bộ... đang hoạt động trên địa bàn thành phố cùng tham gia.
Đúng 14 giờ, mọi người nườm nượp kéo về khu trung tâm, nơi các trục đường chính được quây rào chắn để nhường chỗ cho đoàn diễu hành.
Ai cũng diện trang phục lạ mắt. Các thiếu nữ xinh xắn, rực rỡ trong váy áo tiểu thư thời trung cổ. Các chàng trai hóa trang thành cướp biển, cảnh sát, hay anh hề có cái mũi đỏ chót như quả cà chua... Trẻ em thích thú khi được vẽ mặt ngộ nghĩnh, mặc xiêm y ấn tượng như người dơi, thủy thủ, ong, bướm...
Từ xa, mọi người đã nghe thấy tiếng kèn trống rộn rã. Theo sau là những chiếc máy cày, máy kéo, đầu xe tải lớn từ từ tiến vào.
Mỗi xe đại diện cho một hội sở, một nhãn hàng hoặc một câu lạc bộ... Xe nào cũng được trang trí bằng hoa tươi, hình nộm hoặc được thiết kế riêng biệt. Cái thì giống khu vườn nhiệt đới di động, cái lại như một hầm lò đỏ ối, một con lật đật quá khổ...
Phía trước mỗi xe đều gắn loa công suất lớn, đi đến đâu thì nhạc vang lừng đến đó, làm mọi người nhún nhảy không ngừng giữa tiết trời lạnh giá. Trên xe là đội quân vua chúa, công nương, hoàng tử..., xung quanh xe là những vũ công trong trang phục lấp lánh liên tục phụt pháo giấy, ném kẹo bánh, đồ chơi... vào đám đông.
Người lớn, trẻ con reo hò, vừa hô "Helau" (tạm dịch: Hura) đáp lại vừa lao theo để nhặt. Người lớn hớn hở cười vang khi được mời một cốc bia vàng ươm, còn các em bé vui mừng khi cái túi trên vai đã chứa đầy kẹo dẻo, sô-cô-la... Cả khu trung tâm tưng bừng, rộn rã, khiến người dân sống ở hai bên đường cũng mở cửa sổ vẫy chào đoàn xe đi qua.
Buổi diễu hành kết thúc, thành phố quay lại nhịp sống bình thường như vốn có, lặng lẽ, bình an. Nhưng sự mãn nguyện trọn vẹn vẫn hiển hiện trong từng ánh mắt, giọng nói hồ hởi của mỗi người tham gia. H
ọ như thoát bỏ mọi lo toan thường nhật để hóa thành nhân vật mà mình yêu quý và được vui chơi hết nấc. Có lẽ đó là điểm đáng quý của một lễ hội truyền thống đầy màu sắc được người dân Đức luôn trân trọng và giữ gìn!
Bình luận (0)