Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có báo cáo kết quả thẩm định phê duyệt dự toán chi phí mua đoàn tàu thuộc gói thầu số 1 (EPC) dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông. Dự án do Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt làm đại diện chủ đầu tư, Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc làm tổng thầu EPC.
Lựa chọn nhà thầu chất lượng
Trước đó, chủ đầu tư dự án là Ban QLDA đường sắt cũng đã kiến nghị Bộ GTVT 2 phương án mua đoàn tàu cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Phương án 1, dựa trên cơ sở so sánh, xem xét giá trị đoàn tàu do tổng thầu lập dự toán, giá trị thẩm tra của TEDI, giá trị thẩm định của Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC là khoảng hơn 63,2 triệu USD (tương đương 1.300 tỉ đồng) - đây là giá trọn gói đến chân công trình nhưng chưa bao gồm hệ thống tín hiệu trên tàu. Phương án 2, có tổng giá trị hơn 51,7 triệu USD, chỉ là tạm duyệt giá trị dự toán đoàn tàu trên cơ sở tổng mức đầu tư được phê duyệt.
Sau khi thẩm định phê duyệt dự toán chi phí đoàn tàu cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông là hơn 63,2 triệu USD và dựa trên chứng thư thẩm định giá của Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đã kiến nghị Bộ GTVT phê duyệt dự toán chi phí. Mức giá này đã bao gồm chi phí sản xuất, bảo hiểm và vận chuyển đến tận chân công trình. “Ban QLDA đường sắt khẩn trương lựa chọn nhà thầu bảo đảm tuân thủ đúng quy định” - Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông yêu cầu.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông gồm 12 nhà ga trên cao, tổng chiều dài 13 km khổ 1.435 mm, tốc độ đoàn tàu 80 km/giờ, sử dụng vốn ODA Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án trang bị 13 đoàn tàu, mỗi tàu có 4 toa xe, công suất khoảng 1.200 người, tần suất chạy 2 phút/chuyến. Toàn tuyến đường sắt đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (quận Đống Đa), kết thúc tại ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) gồm 12 ga đón/tiễn khách và khu depo (trung tâm điều hành tuyến).
Đội vốn lớn, thi công quá chậm
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư 8.770 tỉ đồng, tương đương hơn 552 triệu USD (thời giá năm 2008). Trong đó, vốn ODA Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn tín dụng là 169 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 133 triệu USD, thời gian triển khai ban đầu dự kiến từ tháng 8-2008 đến tháng 11-2013. Tuy nhiên, dự án được chính thức phát lệnh khởi công từ ngày 10-10-2011 và dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2014 để đưa vào khai thác sử dụng từ quý II/2015. Sau hàng loạt lý do dẫn đến sự chậm trễ, dự án được chuyển sang cuối năm 2015 mới xong và đưa vào chạy thử dịp đầu năm 2016.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, so với hợp đồng ký kết, dự án hiện chậm gần 2 năm và tiến độ điều chỉnh lại phải hoàn thành vào ngày 31-12. Ngoài ra, sau 5 năm thi công, tổng mức đầu tư dự án này đã phải điều chỉnh từ 552 triệu USD lên 868 triệu USD, tăng 316 triệu USD so với ban đầu. Liên quan đến tiến độ thi công dự án, ngày 21-4, Bộ GTVT đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ 12 nhà ga và việc thực hiện lao dầm dọc tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông. Đại diện Ban QLDA đường sắt cho biết công tác thi công rất chậm trễ, khó có khả năng hoàn thành 12 nhà ga như tiến độ. Theo ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc Ban QLDA đường sắt, kể từ cuộc họp đầu tháng 4 đến nay, dự án hầu như giậm chân tại chỗ, khó có khả năng hoàn thành 12 nhà ga như tiến độ. Hiện có 7/12 nhà ga hoàn thành phần thi công kết cấu phần dưới, bắt đầu thi công kết cấu phần trên, 5/12 ga đang thi công kết cấu phần dưới. Phần lớn các hợp đồng giữa tổng thầu và nhà thầu phụ đã hết hiệu lực, tuy nhiên tổng thầu chưa triển khai việc ký lại.
Yêu cầu tổng thầu thực hiện đúng hợp đồng
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh: “Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông là một trong những dự án nhận được nhiều sự quan tâm của người dân cả nước, đặc biệt là người dân thủ đô. Tuy nhiên thời gian qua, mặc dù có sự chỉ đạo hết sức quyết liệt nhưng vẫn triển khai rất chậm”. Ông Nguyễn Hồng Trường yêu cầu tổng thầu nghiêm túc thực hiện theo đúng các hợp đồng đã ký kết, đồng thời phê bình Ban QLDA đường sắt chưa thực sự bám sát để giải quyết các vấn đề dẫn đến dự án triển khai rất chậm, nhiều điểm không có người thi công. “Nếu với cách quản lý, chỉ đạo như thế này thì đến năm 2017, dự án cũng không hoàn thành” - ông Trường bức xúc.
Bình luận (0)