Ngày 20-9, tại tỉnh Gia Lai, Cục Kiểm lâm - Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức hội nghị triển khai một số giải pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020. Tại đây, Tổng cục Lâm nghiệp đã báo cáo về dự thảo “Đề án Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2025”.
Rừng mất từng ngày
Theo dự thảo đề án, trong những năm qua, diện tích, chất lượng rừng ở Tây Nguyên bị suy giảm nghiêm trọng. Hiện 5 tỉnh Tây Nguyên chỉ còn hơn 2,56 triệu ha rừng, độ che phủ 46,08%. Từ năm 2010-2015, Tây Nguyên bị mất hơn 312.400 ha rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên. Cũng trong giai đoạn này, trữ lượng rừng Tây Nguyên giảm 25,5 triệu m3.
Bên cạnh vấn đề để mất rừng nhanh chóng, việc triển khai trồng lại rừng cũng rất chậm, từ năm 2011-2015 chỉ trồng được gần 49.500 ha. Các chủ rừng cũng chưa thực hiện tốt vai trò quản lý bảo vệ rừng, để cho người dân lấn chiếm, tranh chấp...
Nguyên nhân của việc mất rừng là do bị xâm lấn, phá rừng trái phép, chuyển đổi mục đích rừng ồ ạt, người dân không mặn mà với việc phát triển rừng. Nhiều ngành chức năng, chính quyền cơ sở chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng.
Đề án đặt ra mục tiêu chặn đứng tình trạng mất rừng, khôi phục, phát triển rừng, được bắt đầu thực hiện từ năm 2016. Đến năm 2025, diện tích rừng tăng lên 2,76 triệu ha, độ che phủ nâng lên 49,6%. Để thực hiện đề án này, Tổng cục Lâm nghiệp dự tính cần hơn 19.856 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước 7.346 tỉ đồng, vốn vay ODA hơn 3.339 tỉ đồng, vốn ngoài ngân sách hơn 9.171 tỉ đồng.
Bất khả thi
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc triển khai, thực hiện sẽ khó đạt mục tiêu đề án đưa ra. Theo một cán bộ Kiểm lâm Vùng 4 (đóng tại Đắk Lắk), muốn tăng diện tích rừng, trước hết, rừng hiện tại không bị xâm hại, khai thác nhưng điều này khó thực hiện. Tây Nguyên hiện có hơn 791.000 ha đất đã quy hoạch phát triển lâm nghiệp chưa có rừng. Trong số này, rất nhiều diện tích khô cằn không thể trồng rừng. Số đất màu mỡ bị người dân lấn chiếm để trồng cây nông nghiệp rất khó thu hồi. Tình trạng người dân không có đất canh tác, di dân từ nơi khác tới, xâm hại rừng nghiêm trọng nhưng hiện chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Người dân ở Tây Nguyên không mặn mà với việc trồng rừng do nguồn thu thấp hơn so trồng cây nông nghiệp trong khi các chính sách hỗ trợ lâm nghiệp chưa hấp dẫn.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, cho rằng việc ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ trái phép trong rừng tự nhiên rất khó thực hiện do thị trường tiêu thụ gỗ lậu rất cao. Bên cạnh đó, tình trạng di dân, xâm lấn, xâm canh đất rừng khá nhiều. “Phục hồi rừng là mục tiêu nhà nước muốn nhưng làm sao để người dân hứng thú, mang lại lợi ích lâu dài cho họ, lợi nhuận tương đương với việc trồng sắn, cà phê... thì mới khả thi” - ông Dũng nói.
Trước ý kiến về việc mở rộng diện tích rừng, nâng cao độ che phủ rừng từ 46,08% lên 49,6% là khó khả thi, ông Nguyễn Quốc Trị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, nói: “Những con số đó chúng tôi đưa ra có tính toán: Vài năm tới thì sẽ trồng được bao nhiêu rừng, ở những nội dung nào, trồng rừng thay thế hay kế hoạch hằng năm...”.
Chỉ sợ “tiền mất, tật mang”
Theo PGS-TS Bảo Huy (Trường ĐH Tây Nguyên), rừng đã bị tàn phá nặng nề, chúng ta đã lấy của rừng rất nhiều, giờ cần phải trả lại cho rừng. Việc quản lý, bảo vệ rừng phải gắn vào cộng đồng dân cư, sau đó mới đến những thành phần, tổ chức khác.
“Những năm qua, chúng ta cũng đã đổ biết bao tiền của để bảo vệ rừng nhưng không hiệu quả. Lần này, cách tổ chức quản lý, sử dụng đồng tiền như trên liệu có kết quả như mong muốn? Từ trước tới nay, chúng ta để mất rừng là do cách làm không đúng. Nói rất nhiều người, nhiều lực lượng quản lý rừng nhưng thực ra không ai quản lý cả. Chúng ta không thể đem tiền thuế của dân đổ vô cho những bộ máy quản lý không có hiệu quả dẫn đến “tiền mất, tật mang” - PGS-TS Bảo Huy lo ngại.
C.Nguyên
Bình luận (0)