xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

35 năm, “Đội quân nhà Phật”

Bài và ảnh: Lưu Nhi Dũ

Ngày 7-1-1979, Campuchia được giải phóng. 35 năm trôi qua, lịch sử đã chứng minh rằng “Đội quân nhà Phật” bằng máu của mình đã cứu dân tộc Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng

Trong cuộc gặp gỡ đồng đội nhân ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam hôm 22-12-2013, tôi lặng người nhìn bè bạn của mình, người tóc muối tiêu, kẻ bạc trắng mái đầu… Những mái đầu đó mới ngày nào tóc còn xanh đen, những gương mặt sương gió chiến trường, lội khắp những cánh rừng Campuchia để đánh một đội quân được xem là quái thai của thời đại - quân Khmer Đỏ của Pol Pot, để giải cứu một dân tộc bên bờ tuyệt chủng. Máu đã đổ quá nhiều để chúng tôi được nhân dân Campuchia yêu thương gọi là “Đội quân nhà Phật”…

Cuộc chiến tranh tự vệ chính đáng

Vậy mà đã 35 rồi! Ngày ấy chúng tôi đều mới 18, đôi mươi. Chiến thắng 30-4-1975 tưởng chừng như đã khép lại chiến tranh kéo dài quá lâu rồi. Nhiều bạn bè chúng tôi lúc ấy dù đã cầm giấy báo vào đại học cũng lên đường nhập ngũ. Đó là vào tháng 9-1978.

Thao trường thay cho giảng đường đại học, đồng ruộng, nhà máy. Khi ngày đêm học tiếng Khmer, chúng tôi biết rõ là mình sẽ đi đâu. Những ngày học tiếng Khmer rất vui nhưng đằng sau đó là những câu hỏi khó trả lời về một cuộc chiến tranh sắp diễn ra…

Chúng tôi thừa hiểu cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam không phải sẽ diễn ra mà là đã diễn ra. Cục diện chính trị khu vực sau 30-4-1975 rất bất ngờ. Theo hồi ký của ông Huỳnh Anh Dũng, nguyên Đại sứ Việt Nam giai đoạn 1975-1991 tại Campuchia, ngay sau khi ta vừa giải phóng miền Nam, Pol Pot đã tiến hành xâm lấn biên giới nước ta. Ngày 4-5-1975, một tiểu đoàn Pol Pot đổ bộ lên đảo Phú Quốc. Ngày 8-5-1975, lực lượng Pol Pot tiến công nhiều địa phương thuộc Hà Tiên (nay thuộc tỉnh Kiên Giang), Tây Ninh. Ngày 10-5-1975, Pol Pot tấn công đảo Thổ Chu, bắt đi 515 người dân…

Trong suốt những năm 1975 - 1979, Pon Pot đã có hàng ngàn lần xâm lấn biên giới nước ta. Đỉnh điểm là vụ Khmer Đỏ thảm sát dân Ba Chúc (An Giang, tháng 4-1978). Do tuyến phòng ngự của ta không đủ mạnh, quân Pol Pot đã tràn vào chiếm Núi Tượng trong 10 ngày, gây ra vụ thảm sát kinh hoàng, giết chết 3.157 người dân vô tội. Tính từ tháng 5-1975 đến ngày 23-12-1978, Pol Pot đã giết hại hơn 5.000 dân thường Việt Nam, làm bị thương gần 5.000 người, bắt và đưa đi thủ tiêu hơn 20.000 người.

Khmer Đỏ đã gây ra tội ác giết người rùng rợn như thời trung cổ, không chỉ đối với dân ta mà cả với nhân dân Campuchia.

Thế giới gần như mù tịt với tội ác diệt chủng của bọn Pon Pot cho đến khi quân đội ta vén màn bí mật. Một sự thật kinh hoàng hé lộ khi có hơn 3 triệu người dân Campuchia bị chính quân của Pon Pot giết hại dã man. Đây là sự thật lịch sử và những kẻ cầm đầu Khmer Đỏ đã bị Tòa án Quốc tế đưa ra xét xử công khai.

Bất cứ bộ đội quân tình nguyện Việt Nam nào chiến đấu trên chiến trường Campuchia cũng đều tận mắt chứng kiến những tội ác kinh hoàng như vậy. Những hố chôn người, những đống thi thể thối rữa ở Tà Xanh, Xăm Lốt, Ba Núi (tỉnh Battambang) vẫn còn ám ảnh những người lính bộ binh Trung đoàn 812, Sư đoàn 309…

Một cuộc chiến tranh bắt buộc, một cuộc chiến tranh tự vệ chính đáng đã phải diễn ra. Thế hệ của chúng tôi bỏ cả tuổi xuân ở chiến trường, vì một dân tộc anh em, vì sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.

Cuộc chiến tranh hơn 10 năm

Cuộc chiến tranh ấy kéo dài chính thức 10 năm, nếu tính từ 1975 là 14 năm, dài hơn cuộc chiến tranh chống Pháp.

Những người lính chúng tôi không thể ngờ được cuộc chiến tranh lại kéo dài như vậy. Ngày 7-1-1979, Phnom Penh được giải phóng. Vậy mà 10 năm sau, cuộc chiến tranh ấy mới kết thúc.

Đây là một cuộc chiến tranh cực kỳ ác liệt, trong hoàn cảnh Việt Nam bị cô lập với thế giới và còn có một cuộc chiến biên giới khác. Nền kinh tế bị kiệt quệ, có nhiều lúc bộ đội ở chiến trường thiếu muối, cũng phải ăn độn như đồng bào mình ở hậu phương. Một chiến trường quá rộng lớn, trải toàn diện trên khắp lãnh thổ Campuchia, đặc biệt rất ác liệt ở toàn tuyến biên giới Campuchia - Thái Lan dài đến 803 km.

Lễ cầu siêu cho các liệt sĩ Sư đoàn 309 hy sinh trên chiến trường Campuchia tại chùa Huê Nghiêm, quận Thủ Đức, TP HCM 
ngày 10-12-2013
Lễ cầu siêu cho các liệt sĩ Sư đoàn 309 hy sinh trên chiến trường Campuchia tại chùa Huê Nghiêm, quận Thủ Đức, TP HCM ngày 10-12-2013

Có nhiều thời điểm quân ta gặp rất nhiều khó khăn ở tuyến biên giới này khi mà Khmer Đỏ được sự hà hơi tiếp sức, lớn mạnh hẳn lên. Đó là giai đoạn phòng thủ biên giới Campuchia - Thái Lan 1984-1985.

Đánh một đối tượng như Khmer Đỏ là hết sức khó khăn vì chúng quá hiểu cách đánh của ta. Đó là lý do mà nhiều tài liệu tổng kết cuộc chiến tranh này đã kết luận đây là cuộc chiến ác liệt không kém thời chống Mỹ.

Hy sinh vì nhân dân, đất nước Campuchia

Chúng ta đã huy động nguồn lực cho cuộc chiến tranh này rất lớn bởi đó là chiến trường quá phức tạp. Sau lệnh tổng động viên (ngày 5-3-1979) của Chủ tịch nước, những người lính chúng tôi biết rằng cả nước đang phải hành quân ra trận.

Sư đoàn 309 của chúng tôi lúc đó trực thuộc Quân khu 5, được lệnh hành quân từ chiến trường Đông Bắc Campuchia về sân bay Pleiku. Chúng tôi đặt câu hỏi mình sẽ đi đâu? Một cầu không vận đã được lập để đưa cả sư đoàn xuống sân bay Battambang (một tỉnh phía Tây Campuchia, sát biên giới Thái Lan) mà chúng tôi không hề biết…  Chúng tôi cũng không ngờ chính sân bay đó sẽ là nghĩa trang tạm thời của sư đoàn mình sau này.

Mặt trận phía Tây là nơi thách thức cho “Đội quân  nhà Phật”, quyết định sự thắng - thua trên chiến trường và cũng là nơi chúng ta bị tổn thất nhiều nhất.

Có bao nhiêu quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở chiến trường Campuchia? Hôm 10-12-2013, tại lễ truy điệu các liệt sĩ Sư đoàn 309 để đưa về quê an táng ở chùa Huê Nghiêm, quận Thủ Đức, TP HCM, đại diện Bộ Tư lệnh Sư đoàn 309 cho biết tính từ năm 1978 đến 1989, toàn sư đoàn có 3.038 chiến sĩ, sĩ quan hy sinh trên chiến trường Campuchia.

Theo một hạ sĩ quan, nguyên là cán bộ quân lực của Tỉnh đội Bình Định, riêng tỉnh Bình Định đã có hơn 10.000 liệt sĩ hy sinh tại Campuchia. Bao nhiêu quân đoàn, sư đoàn, các đơn vị độc lập, tỉnh đội… đã tham chiến trên chiến trường này, cứ suy ra sẽ biết sự hy sinh to lớn của chúng ta.

Cuối tháng 12-2013, khi thăm Việt Nam, Thủ tướng Hun Sen đã nói chuyện với hơn 700 cựu chiến binh từng chiến đấu trên chiến trường Campuchia. Ông khẳng định: “Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia đã hy sinh hàng vạn người, bị thương không biết bao nhiêu. Việt Nam đã phải trả một cái giá rất lớn khi giúp đỡ Campuchia… Vấn đề này không quên được. Hồi đó, Việt Nam bị cấm vận từ bên ngoài do giải phóng giúp Campuchia, vì nhân dân, đất nước Campuchia mà đã chịu hy sinh và hơn 30 năm người ta mới công nhận”.

Sự thật là như vậy. Nhiều công trình nghiên cứu về cuộc chiến tranh này của các học giả quốc tế cũng đã công nhận như vậy, kể cả học giả Trung Quốc. Máu của chúng ta đã đổ để có một quốc gia Campuchia như hiện nay. 

“Không có ngày hôm qua thì không có ngày hôm nay. Không có ngày hôm nay thì không có ngày mai. Khách quan lịch sử như vậy”.

(Phát biểu của Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại buổi gặp mặt 700 cựu binh quân tình nguyện Việt Nam từng chiến đấu trên chiến trường Campuchia, 27-12-2013)



Đại diện Bộ Tư lệnh Sư đoàn 309 thăm hỏi thân nhân các liệt sĩ
Đại diện Bộ Tư lệnh Sư đoàn 309 thăm hỏi thân nhân các liệt sĩ

Suy tư bên lề lịch sử

Hôm làm lễ cầu siêu đưa 18 liệt sĩ của Sư đoàn 309 về quê nhà, có những hình ảnh thật cảm động. Đa số chiến sĩ hy sinh khi còn rất trẻ, chưa lập gia đình nên những thân nhân có mặt hôm đó là anh chị em, là cháu của họ… Bà Nguyễn Thị Xê - chị ruột liệt sĩ Nguyễn Xuân Thành, ngụ Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa - đi theo đoàn để đưa em trai về quê. Bà Xê gọi điện thoại bảo con trai ở TP HCM đưa cháu nội mới hơn 5 tuổi đến để thắp nhang. Bà Xê nói rằng để con, cháu mình nhớ đến một người cậu, người ông đã hy sinh cho Tổ quốc.

 Em Nguyễn Lê Thị Thu - con cựu binh Nguyễn Xuân Toàn (Khánh Hòa), hiện công tác ở TP HCM - đến thắp nhang cho đồng đội của cha nhưng lại hoàn toàn không biết gì về một cuộc chiến tranh kéo dài 10 năm ấy. Thu rất ngạc nhiên khi thấy nhiều cựu binh  khóc trên những chiếc quách phủ cờ đỏ sao vàng. Điều đó cũng có thể hiểu được khi mà cuộc chiến tranh này chưa có trong sách giáo khoa lịch sử, buộc tất cả chúng ta phải đứng bên lề lịch sử suy tư…

35 năm đã trôi qua, chân lý đã rõ ràng. Hai cuộc chiến tranh sau năm 1975 phải có mặt trong sách giáo khoa lịch sử để con cháu chúng ta biết rằng Tổ quốc từng có một thời hào hùng như thế…

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo