xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ám ảnh giữa trùng khơi: Bôn ba cứu nạn

Nhóm phóng viên

Nghe tin tàu cá của ngư dân ta bị tàu Trung Quốc đâm chìm, nhiều khi chẳng hề quen biết, họ vẫn sẵn sàng bỏ cả chuyến đánh bắt với phí tổn hàng trăm triệu đồng để chạy đến ứng cứu

Đầu tháng 1-2016, tàu cá QNg 98459 TS của thuyền trưởng Huỳnh Văn Thạch (ngụ huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cùng 9 ngư dân đã trở về Đà Nẵng an toàn sau khi bị tàu Trung Quốc (TQ) đâm chìm trên vùng biển Quảng Trị. “Bốn tàu cá của ngư dân mình đánh bắt gần nơi tàu chúng tôi gặp nạn đã đến ứng cứu kịp thời. Chúng tôi thật may mắn khi gặp được những người bạn đi biển tốt bụng như vậy” - ông Thạch xúc động.

“Lục Vân Tiên” trên biển

Ông Huỳnh Bi (trú Quảng Ngãi), thuyền trưởng kiêm chủ tàu QNg 94429 TS, là người đầu tiên tiếp cận hiện trường tàu QNg 98459 TS gặp nạn. Ông Bi cho biết trên đường ra ngư trường đánh bắt, ông nhận được tin tàu của ông Thạch bị tàu TQ đâm chìm qua tổng đài Icom của Nghiệp đoàn Nghề cá huyện Đức Phổ.

“Tàu tôi đi từ Đà Nẵng đêm 31-12-2015. Khi cách chỗ anh Thạch khoảng 50 hải lý, tôi nghe tin anh ấy gặp nạn nên cho tàu tăng hết tốc độ chạy tới ứng cứu. Lúc đó, tàu tôi chưa thả mẻ lưới nào” - ông Bi nhớ lại.

 

Các ngư dân tàu cá Quảng Ngãi gặp nạn trên biển được một tàu bạn ứng cứu Ảnh: TỬ TRỰC
Các ngư dân tàu cá Quảng Ngãi gặp nạn trên biển được một tàu bạn ứng cứu Ảnh: TỬ TRỰC

Theo ông Bi, khi tàu của ông tiếp cận được tàu ông Thạch, các ngư dân đang ngoi ngóp dưới nước lập tức trèo lên. Họ vừa mệt mỏi vừa hoảng sợ vì phải vật lộn suốt 3 giờ trong sóng gió. “Lúc ấy, chiếc tàu bị tông nát bét sắp chìm hẳn. Biết sức mình không cứu nổi nên tôi gọi Icom cho 3 tàu bạn tới giúp. Do gió lớn, biển động mạnh nên việc cứu hộ hết sức khó khăn. Anh em ngư dân chúng tôi đụng chuyện thì cứu nhau thôi chứ có được hướng dẫn cách cứu hộ, cứu nạn gì đâu. Chúng tôi chỉ biết trước hết là cứu người rồi sau đó mới cứu của” - ông bày tỏ.

Tàu QNg 98459 TS nổi lên vào khoảng 18 giờ hôm 1-1 nhưng phải đến 2 giờ sáng hôm sau mới có thể lai dắt về bờ. Ông Bi cho biết nhiều thứ không thiết yếu trên tàu ông như lương thực, nước đá… đều vứt bỏ để nhẹ hơn, lai dắt tàu gặp nạn dễ hơn. Ngư dân tàu ông Bi cũng nhường chỗ ngủ nghỉ, thức ăn cho ngư dân tàu gặp nạn.

Trước đó, tối 15-7-2015, nhận được tin tàu cá QNg 90559 TS của ông Trương Văn Đức (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị tàu TQ đâm chìm ở vùng biển Hoàng Sa, ngay lập tức, thuyền trưởng Võ Hải (cùng ngụ huyện Bình Sơn), chủ tàu QNg 95779 TS, bỏ dở chuyến đánh bắt để chạy đến cứu. Trong đêm tối giữa trùng khơi, khoảng cách 16 hải lý từ nơi tàu ông Hải đánh bắt đến vị trí tàu gặp nạn dường như dài hơn.

Ông Đức tâm sự: “Nếu hôm đó không có tàu anh Hải, chúng tôi đã thành mồi ngon cho cá rồi”. Ông Đức cho biết tối 9-7-2015, khi tàu của ông cùng 4 tàu cá khác của ngư dân Bình Sơn đang đánh bắt cách đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa chừng 4 hải lý thì 1 tàu TQ xuất hiện truy đuổi.

“Tránh voi chẳng xấu mặt nào, chúng tôi chạy né hướng khác. Chiếc tàu TQ vẫn ráo riết đuổi theo. Đến khoảng 23 giờ, tàu TQ bất ngờ pha đèn và bắn đạn thật về phía tàu chúng tôi. Sau đó, tàu này tăng tốc, tông mạnh vào mạn tàu chúng tôi làm thủng lỗ lớn. Thấy tàu chúng tôi chìm dần, tàu TQ mới bỏ đi. Các ngư dân đều hoảng loạn, còn tôi cố điều khiển tàu chìm chậm hơn và dùng bộ đàm gọi các tàu bạn đến cứu” - ông Đức kể.

Nhận được tin, thuyền trưởng Võ Hải lập tức cho tàu chạy đến ứng cứu, đồng thời điện báo về đất liền. “Khi chúng tôi đến nơi đã hơn 1 giờ, toàn bộ 11 ngư dân trên tàu anh Đức đều rớt xuống biển. Tôi xót xa vô cùng, vội cho tàu chạy tìm từng người. Hôm sau, tôi quyết định bỏ luôn chuyến biển để đưa anh em tàu gặp nạn về đất liền” - ông nhớ lại.

Mất chuyến này thì đi chuyến khác

Đến giờ, gần 2 năm trôi qua nhưng 9 ngư dân đi chuyến biển trên tàu BĐ 51349TS do anh Lê Văn Vương (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng vẫn nhớ như in lần mình gặp nạn trong đêm. Hôm ấy, tàu BĐ 51349TS đang đánh bắt ở vùng biển Trường Sa thì bị tàu “lạ” đâm phải. Tàu cá bị thủng một lỗ to, hỏng máy và chìm dần. Sau khi phát tín hiệu cấp cứu, 9 ngư dân đành bỏ tàu lên thuyền thúng.

Sau nhiều giờ chống chọi với sóng gió, các ngư dân được tàu chở dầu của Panama cứu, riêng anh Vương vẫn cố bám trụ để cố giữ tàu cá. Nhận được tín hiệu cầu cứu, ngay trong đêm, 12 tàu cá của ngư dân Khánh Hòa đã đến hỗ trợ tàu BĐ 51349 TS.

Ông Nguyễn Ngọc Trí (ngụ TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), thuyền trưởng tàu KH 96732 TS, cho biết: “Dù không hề quen biết ai trên tàu BĐ 51349 TS nhưng nghe tin họ gặp nạn, tôi liền cho tàu chạy hết ga, vượt 40 hải lý đến giúp. Chúng tôi và các tàu bạn tìm cách bơm nước để tàu BĐ 51349 TS nổi lên rồi trám lỗ thủng. Hôm sau, chúng tôi quyết định bỏ chuyến biển để đưa tàu gặp nạn và các ngư dân về cảng Hòn Rớ”.

Trong khi đó, theo ông Huỳnh Bi, chuyến biển đầu năm vừa qua, ông dự định đánh bắt khoảng 20 ngày nên chuẩn bị rất đầy đủ. Tiền mua dầu, thực phẩm, nước đá… ông đều phải vay mượn nóng. “Phí tổn chuyến biển đó khoảng 400 triệu đồng. Tuy vậy, cứu được tàu anh Huỳnh Văn Thạch là vui rồi. Nghề đi biển, sợ nhất là gặp nạn rồi mới đến sợ lỗ lã. Mất chuyến biển này thì mình đi chuyến khác bù lại thôi” - ông Bi bộc bạch.

Ông Thạch cho hay do bị đâm chìm nên tàu ông thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng tiền trang thiết bị. Chưa kể, gần 400 triệu đồng chuẩn bị lương thực, dầu, nước đá cho chuyến đi đều mất sạch. “Tàu tui bị đâm chìm nên thiệt hại là đúng, trong khi anh Bi cũng vì giúp tui mà mất cả chuyến biển, lỗ không dưới 400 triệu đồng” - ông Thạch áy náy.

Theo ông Bi, người đi biển dù là ngư dân hay thuyền viên tàu hàng khi thấy người gặp nạn đều phải ra tay cứu giúp. “Đó là quan niệm, là luật bất thành văn của người đi biển. Đằng này, nhiều tàu TQ cố tình đâm chìm tàu cá của ngư dân ta rồi bỏ mặc ngư dân ngụp lặn dưới biển thì quả là tội ác” - ông Bi bức xúc.

 

Không tính toán thiệt hơn

Ông Nguyễn Văn Tính - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang - cho rằng cơ quan chức năng chỉ giúp được tàu gặp nạn ở gần bờ, còn tàu đi đánh xa nếu bị sự cố thì tự cứu nhau là chính.

“Như cuối tháng 12-2015, một tàu cá của nghiệp đoàn gặp nạn, 4 tàu cá khác phải cùng nhau lai dắt ròng rã suốt 4 ngày mới về được đất liền. Anh em trong nghiệp đoàn giúp nhau lúc hoạn nạn là chính chứ không tính toán thiệt hơn. Nhiều ngư dân sẵn sàng bỏ cả chuyến biển, chấp nhận lỗ vốn để cứu tàu bạn” - ông Tính nhìn nhận.

 

Kỳ tới:Thắc thỏm bên Icom

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo