Tham gia trong đoàn đại biểu từ TP HCM ra thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo của Trường Sa và các lực lượng ở nhà giàn DK1/14 lần này có 15 ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công phục vụ cho các cuộc giao lưu văn nghệ.
Tràn ngập nụ cười
MC, ca sĩ Huỳnh Thị Quỳnh Hoa của Đài Truyền hình TP HCM (HTV) và NSƯT Trần Thị Vân Khánh, ca sĩ Hạ Trâm là những gương mặt khá quen thuộc với lính đảo vì đã có khá nhiều chuyến giao lưu ở nơi đầu sóng ngọn gió này. Các ca sĩ trẻ Caroon, Quốc Hưng, Thanh Ngân, Quý Bình, Tánh Linh, Thiên Phú, Minh Thùy có người còn rất lạ lẫm với việc đi biển nhưng đến nhà giàn hay đảo nào cũng phăm phăm đi trước đoàn để tranh thủ có thời gian thử giọng.
Tàu vừa cập chân nhà giàn DK1/14, nhóm anh chị em văn nghệ đã được các nhân viên nhà giàn xúm nhau mang vác giùm nào loa máy, đàn organ, guitar. Nhiều nhân viên tranh thủ xin các nghệ sĩ, ca sĩ cho chụp chung hình lưu niệm qua điện thoại di động.
Bị vây chặt nhìn muốn nghẹt thở, vậy mà vừa lên đến tầng cao nhất của nhà giàn, trong khi mọi người tìm chỗ hóng gió xả bớt mệt mỏi và căng thẳng sau gần 30 giờ liên tục trên tàu để chinh phục trên 350 hải lý của hải trình thì 2 thành viên phụ trách âm thanh, ánh sáng là Nguyễn Vinh Thao và Nguyễn Minh Lợi đã thoăn thoắt tìm chỗ phục vụ, sắp xếp loa máy.
Nhóm các ca sĩ trẻ trong lúc chờ đến giờ phục vụ chính thức đã tranh thủ tận dụng ngay hành lang hẹp của nhà giàn để hát chung với mấy chiến sĩ hải quân trong tiếng guitar bập bùng từ nhạc công Đặng Đại Ân. Hát rồi nhảy, không khí đầy hào hứng, nụ cười tràn ngập trong tiếng cổ vũ không ngớt của mọi người.
Chương trình phục vụ trên nhà giàn vừa dứt, nhóm anh chị em văn nghệ đã phải khẩn trương quay lại tàu kiểm ngư KN-781 để chuẩn bị phục vụ đoàn và lực lượng kiểm ngư trên tàu. Chương trình tổ chức ngay trên sân đậu trực thăng của tàu với sự tham gia nhiệt tình của các đại biểu và các lực lượng kiểm ngư.
Mỗi ngày có ít nhất 2 chương trình biểu diễn giao lưu văn nghệ với chiến sĩ và nhân dân trên các đảo. Lịch giao lưu dày đặc, chỉ trừ khi phải di chuyển từ đảo này sang đảo khác, có lúc như ở đảo Sinh Tồn Đông, Nam Yết, Đá Lát… phải biểu diễn cả ngoài trời giữa trưa nắng nóng như nung, mồ hôi ròng ròng trên mặt, ướt đẫm áo, thế nhưng không hiểu sao các ca sĩ, nhạc sĩ vẫn hát rất khỏe, nhảy múa bất tận cùng các chiến sĩ.
Vui nhất là hôm đến đảo Sinh Tồn Đông. Hôm đó, đoàn phải sử dụng canô một chặng khá xa để vượt qua rạn san hô vây quanh đảo. Đến nơi thì đã nắng ngộp thở, ai nấy mồ hôi đầm đìa vậy mà nhạc công Đặng Đại Ân vẫn lưng mang organ, tay xách nách mang lỉnh kỉnh những micro, dây, máy phăm phăm tìm nơi bố trí biểu diễn. Nơi cuối cùng anh chọn là gốc bàng vuông đại thụ ngay cạnh cột mốc chủ quyền có một chiến sĩ bồng súng đứng gác. Ghế ngồi toàn đảo được mang ra ngay giữa sân nắng.
Vẫn với giọng dân ca sở trường, NSƯT Vân Khánh mở đầu buổi diễn khiến nắng nóng như dịu hẳn đi. Rồi cả sân đảo như vỡ òa khi tiếng hát của nam ca sĩ đẹp trai Dương Quốc Hưng cất lên với ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình”, tiếp đó nữa là diễn viên điện ảnh Quý Bình với ca khúc “Hương tóc mạ non”, ca sĩ từng đoạt giải nhất Tiếng hát truyền hình TP HCM Hạ Trâm với ca khúc “Thuyền và biển”. Tất cả các đại biểu hòa trong màu áo lính, những vòng tay lính đảo nới dần, nới dần. Cả lính và ca sĩ cùng hát, cùng nhảy, vui không kể xiết. Không ai còn nhớ đến nắng nung như đổ lửa.
Đi qua các đảo mới thấy lính của ta yêu thích văn nghệ vô cùng. Những giọng ca “đinh” của chiến sĩ Trần Bá Lơi, Nguyễn Thanh Vũ ở nhà giàn DK1/14, trung úy phòng không Lê Văn Hùng ở đảo Trường Sa Lớn, chính trị viên Bùi Văn Quê và quân y sĩ Đỗ Tiến Hậu ở đảo Trường Sa Đông… “bốc lửa” không kém các ca sĩ chuyên nghiệp. Tiếng hát của họ còn nhanh chóng xóa đi sự rụt rè ban đầu, xốc chiến sĩ hòa vào từng ca khúc để cùng “cháy hết mình”.
Quyết tâm có sản phẩm độc đáo
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương là người khá đặc biệt trong số những nghệ sĩ của chuyến đi này không chỉ vì như người anh cả mà còn vì những nỗ lực để quyết tâm có một sản phẩm độc đáo tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa ngay khi rời đảo.
Khi mọi người “bốc lửa” với những cuộc giao lưu thì nhạc sĩ Phạm Đăng Khương lặng lẽ mang máy ảnh lang thang khắp đảo tìm khung cảnh, rồi tranh thủ lúc mọi người nghỉ ngơi hoặc ăn cơm, anh động viên các ca sĩ và lính đảo mang đàn cùng anh ra tận mép đảo ghi hình. Lần nào quay về tàu, khi mọi người yên giấc ngủ hay ăn cơm, anh lại lặng lẽ xách máy tính tìm một góc vắng miệt mài dựng phim, cắt ghép. Tám ngày liên tục như thế, anh đã hoàn thành clip ký sự Trường Sa dài 25 phút, mang tên “Về nơi đảo xa” - là tên của một ca khúc được anh ngẫu hứng viết ngay trong chuyến đi này.
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương từng đến Trường Sa ngay sau sự kiện Gạc Ma (1988). Cách đây 9 năm, anh quay lại Trường Sa lần nữa và có được clip ký sự âm nhạc mang tên “Biển gọi tình anh”.
Sau nhiều buổi trưa “cháy hết mình” để phục vụ, đã có những ca sĩ mệt lả phải có người dìu mới lên được tàu, có lúc bỏ cả bữa ăn, thế nhưng khi tàu đến một điểm đảo mới, họ lại vùng dậy đòi tham gia biểu diễn, mặt mũi cứ tươi roi rói như ngày đầu.
Kỳ tới: Mang về niềm tin
Bình luận (0)