xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Áp lực nặng nề

NHÓM PHÓNG VIÊN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa hứa với dân giữa năm 2014 sẽ đóng cửa bãi rác Cồn Quán và xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại đây. Thế nhưng, hiện bãi rác này vẫn hoạt động bình thường

Bãi rác Cồn Quán hoạt động từ năm 2001, trên diện tích 4,2 ha với công suất 140 tấn rác/ngày, là nơi tiếp nhận không chỉ rác của TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa mà còn một phần của huyện giáp ranh. Lúc đầu, bãi rác có đủ nhà xưởng, khu phân loại, khu vi sinh và dây chuyền sản xuất phân bón. Hoạt động được một thời gian thì dây chuyền sản xuất phân bón “chết” do không có đầu ra. Các hạng mục khác cũng “chết” theo nên bãi rác thành nơi chôn lấp rác.

Chặn xe vào bãi rác

Quá bức xúc do bãi rác Cồn Quán gây ô nhiễm nên tháng 9-2013, hàng chục hộ dân ở phố Tây Sơn 1, phường Phú Sơn , TP Thanh Hóa, đã chặn đường, đổ đất đá ngăn không cho xe chở rác vào bãi. Chính quyền địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và đích thân ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, tiếp xúc người dân và hứa đến giữa năm 2014 sẽ cho đóng cửa bãi rác này và xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại đây. Thế nhưng, hiện bãi rác Cồn Quán vẫn hoạt động bình thường.

Ông Dương Văn Xu, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Sơn, cho biết sau sự việc dân chặn xe, Thành ủy TP Thanh Hóa họp và thống nhất hết tháng 6 sẽ đóng cửa, chuyển bãi rác đi nơi khác. “Hiện chúng tôi rất lo vì bãi rác sẽ không đóng cửa như dự kiến bởi mới đây, ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, tiếp xúc cử tri và hứa đến ngày 30-8 mới đóng được” - ông Xu nói. Theo ông Xu, vừa qua, người dân lại làm đơn gửi các cấp chính quyền yêu cầu sớm di dời bãi rác như đã hứa, nếu không thì họ tiếp tục không cho xe vào.

Người dân dựng lều phản đối việc xây dựng khu xử lý rác thải tại xã Quế Cường, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, tháng 7-2013 Ảnh: QUANG VINH
Người dân dựng lều phản đối việc xây dựng khu xử lý rác thải tại xã Quế Cường, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, tháng 7-2013 Ảnh: QUANG VINH

Liên quan đến bãi rác ở thị trấn Kỳ Anh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ông Phạm Huy Tường - Trưởng Phòng TN-MT huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh - cho biết bãi rác nằm sát khu dân cư, trường học là bất hợp lý, ảnh hưởng trực tiếp đời sống của người dân. Hiện bãi rác tập trung của huyện đã được quy hoạch quy mô 30 ha tại xã Kỳ Tân, xây dựng xong thì sẽ đóng cửa bãi rác ở thị trấn, đồng thời có giải pháp xử lý hàng trăm ngàn tấn rác đang ứ đọng nơi đây.

Theo ông Hoàng Danh Lai, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Nghệ An, hiện tỉnh này có một số bãi rác xây dựng từ nhiều năm trước và gần khu dân cư, đầu nguồn nước, công nghệ xử lý không bảo đảm nên gây ô nhiễm. Để hạn chế các bất cập trên, khi thẩm định dự án xây dựng các bãi rác mới, sở sẽ kiểm tra chặt chẽ phần đánh giá tác động môi trường.

Khó kiểm soát

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chánh Văn phòng Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam, cho biết do khâu đầu tư khu xử lý rác thải tại thôn Bích Sơn (xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành) chưa đạt kỹ thuật, thiếu hệ thống xử lý nước thải nên ảnh hưởng đời sống người dân. Mới đây, sở đã làm việc với Công ty Môi trường đô thị và đề nghị lập dự án đầu tư thêm hệ thống xử lý nước thải.

Chính quyền tỉnh Quảng Nam vẫn đang lúng túng trong việc xây dựng dự án khu chứa và xử lý rác thải tại xã Quế Cường, huyện Quế Sơn vì phải dừng thi công do bị người dân phản đối. Theo thiết kế, dự án sử dụng hơn 19,5 ha; công suất xử lý 70 tấn/ngày, đầu tư gần 35 tỉ đồng nhằm bảo đảm môi trường sinh thái, giải quyết lượng rác thải sinh hoạt, rác thải các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất và bệnh viện trên địa bàn huyện Quế Sơn. Tháng 7-2013, khi chủ đầu tư khởi công thì hàng chục người dân dựng lều ngăn cản phương tiện cơ giới vì cho rằng bãi rác nằm trên đồi cao nên sẽ ảnh hưởng diện tích đất đang sản xuất của người dân phía dưới. Cạnh nhà máy xử lý rác có khe nước và phần lớn người dân sử dụng nguồn nước giếng ở đây đều lo ngại việc xây dựng nhà máy đặt ở thượng nguồn sẽ ô nhiễm nguồn nước.

Theo ông Nguyễn Quốc Tân, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi, những năm qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh bảo vệ môi trường được các cấp ngành ở tỉnh này đẩy mạnh. Nhiều điểm nóng được xử lý kịp thời, giải quyết bức xúc của người dân. Không ít cơ sở chế biến, doanh nghiệp đã tích cực đổi mới công nghệ nhằm giảm khí thải độc hại ra môi trường. Tuy nhiên, vấn nạn ô nhiễm môi trường vẫn còn hết sức gay gắt, nhiều doanh nghiệp không chấp hành quy định bảo vệ môi trường. Trong khi đó, công tác kiểm tra, kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường còn rất khó khăn, bất cập, nhiều doanh nghiệp vi phạm hết sức tinh vi.

Mất cân đối

Số liệu từ Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT cho thấy trên toàn quốc, trong số 296 KCN được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, có 198 KCN đã hoạt động với tổng lượng nước thải phát sinh ước khoảng 600.000 m3/ngày đêm. Sáu tháng đầu năm 2014, lượng chất thải rắn phát sinh tại các KCN có chiều hướng tăng 20% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, 28% là chất thải rắn sinh hoạt, 65% chất thải rắn công nghiệp và 7% chất thải nguy hại.

Hiện có 147/198 KCN đang hoạt động đã đầu tư hoặc vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế của các hệ thống xử lý nước thải tập trung là 630.000 m3/ngày đêm. Xét về tổng số tuyệt đối, hệ thống xử lý nước thải tập trung của các KCN có thể đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải. Tuy nhiên, có sự mất cân đối giữa lượng phát sinh và công suất xử lý giữa các vùng, các địa phương nên hiệu quả xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu. Chẳng hạn, KCN Cầu Nghìn (Thái Bình) phát sinh trên 1.000 m3/ngày đêm nhưng chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong khi KCN An Hạ (TP HCM) đã đầu tư hệ thống xử lý nước tập trung công suất 2.000 m3/ngày đêm lại không có ngành sản xuất phát sinh nước thải. KCN Hòa Bình (Kon Tum) đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung trong khi chưa có hệ thống thu gom nước thải nên cũng không thể vận hành.

Th.Dương

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-7

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo