Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cùng Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC) đã có phiên giải trình tại Văn phòng Chính phủ vào sáng 29-3, trước các bộ, ngành liên quan về kinh phí tổ chức ASIAD 18 và những vấn đề mà phiên giải trình ở Quốc hội trước đó còn chưa thống nhất giữa bộ này với Bộ Tài chính. Theo Bộ Tài chính, kinh phí tổ chức sẽ không thấp hơn 6.295 tỉ đồng (tương đương 300 triệu USD). Tuy nhiên, Bộ VH-TT-DL tiếp tục khẳng định vẫn có thể tổ chức thành công trong phạm vi 150 triệu USD.
Cắt giảm, tiết kiệm tối đa
Phó Chủ tịch VOC, ông Hoàng Vĩnh Giang, khẳng định không có chuyện Việt Nam rút lui, không tổ chức ASIAD 18. Ông cho rằng kinh phí tổ chức lên đến 300 triệu USD là không chính xác. Đơn cử, việc xây dựng sân xe đạp lòng chảo dự tính lên đến hàng ngàn tỉ đồng nhưng có thể bảo đảm chúng ta vẫn hoàn thành trong khoảng đầu tư 7-10 triệu USD (150-200 tỉ đồng). Theo ông Giang, VOC đã trình kế hoạch xây dựng công trình này cho Bộ VH-TT-DL với chi phí tiết kiệm tối đa.
Tại phiên giải trình, Bộ VH-TT-DL nêu rõ một số khoản kinh phí đầu tư nâng cấp các nhà thi đấu sẽ thuộc ngân sách địa phương. “Hà Nội, địa điểm thi đấu chính, sẽ phải bỏ ra khoảng 300 tỉ đồng để nâng cấp hệ thống nhà thi đấu do TP quản lý. Có 15 tỉnh, TP dự kiến đăng cai thi đấu các môn ASIAD thì lãnh đạo địa phương khẳng định sẽ lấy kinh phí của tỉnh, TP, không xin ngân sách trung ương” - ông Giang nói.
Ông Giang cho biết các địa phương này đều hào hứng, muốn xin đăng cai thêm một số môn, “chứng tỏ các tỉnh, TP rất muốn Việt Nam tận dụng tốt cơ hội này để phát triển du lịch, dịch vụ và quảng bá hình ảnh”.
Để trấn an lo lắng của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư về khoản kinh phí xây dựng các công trình thể thao phục vụ ASIAD 18, Bộ VH-TT-DL khẳng định sẽ không xây mới nhà thi đấu đa năng mà tận dụng các cơ sở lưu trú, chung cư đủ tiêu chuẩn để đón VĐV, HLV, quan chức thể thao, cũng không xây mới làng VĐV. Tổ hợp sân quần vợt sẽ được xã hội hóa, công trình xây dựng trường bắn súng thể thao sẽ được tiết kiệm tối đa. Dự kiến, tất cả chỉ tốn vài trăm tỉ đồng, không như Bộ Tài chính tính toán.
“Với 150 triệu USD gồm chi phí tổ chức, xây mới và nâng cấp một số công trình do Bộ VH-TT-DL quản lý, tôi khẳng định Việt Nam có thể tổ chức thành công ASIAD, đáp ứng đầy đủ điều kiện và tiêu chí mà Hội đồng Olympic châu Á đặt ra” - ông Giang quả quyết.
Ông Giang trấn an thêm: “Kinh phí phát triển hạ tầng, nhất là đường sá, không thể tính vào ASIAD. Như ASIAD 16 tại Quảng Châu - Trung Quốc năm 2010, họ tính kinh phí tổ chức tới hơn 20 tỉ USD là vì tính cả việc phát triển hạ tầng giao thông. Tôi được biết theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách đầu tư cho hạ tầng giao thông của TP Hà Nội đến năm 2020 cũng là 20,5 tỉ USD”.
Nguồn ngân sách đầu tư để đào tạo, đưa VĐV đi tập huấn nước ngoài phục vụ mục tiêu giành huy chương vàng và thứ hạng cao ở ASIAD cũng lên tới 40 triệu USD. Song, đại diện Tổng cục Thể dục Thể thao cho rằng khoản này nằm trong chiến lược chung đầu tư cho thể thao thành tích cao để phấn đấu duy trì thứ hạng trong top 3 ở SEA Games, giành huy chương vàng ở các Đại hội ASIAD Incheon 2014, Olympic Brazil 2016… chứ không phải phục vụ riêng ASIAD.
Dự toán dễ chệch
GS Nguyễn Lân Dũng, nguyên Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, lo lắng: “Năm 2003, khi đăng cai SEA Games 22, Việt Nam bội chi gấp 3 lần dự toán. Khi ấy, nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh nên ngân sách kham nổi. Dù vậy, SEA Games vẫn là bài học do các nhà tổ chức không lường được những gì phát sinh”.
Ông Dũng cho rằng việc phải làm rõ kinh phí tổ chức 150 triệu USD hay 300 triệu USD là rất quan trọng. “Nếu so sánh với những quốc gia đăng cai ASIAD thì có thể thấy con số 300 triệu USD chưa tới 1/5 so với Hàn Quốc, nước chủ nhà ASIAD 17 năm 2014 (1,6 tỉ USD). Hồng Kông (Trung Quốc) cũng đã thăm dò ý kiến người dân để chạy đua giành quyền đăng cai ASIAD 19 vào năm 2023 (1,8 tỉ USD). Cũng không phải vô cớ mà New Delhi - Ấn Độ, Cao Hùng - Đài Loan (Trung Quốc), Kuala Lumpur - Malaysia, thậm chí Abu Dhabi - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, đều chủ động rút lui, “nhường” quyền đăng cai tổ chức cho Việt Nam” - ông Dũng băn khoăn.
Chính vì thế, nhiều người bày tỏ lo lắng khi Bộ VH-TT-DL chưa tính toán và lường hết chi phí. GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhìn nhận: “Tôi tin vào con số mà Bộ Tài chính tính toán hơn, vì họ có kinh nghiệm trong việc dự trù kinh phí những sự kiện như thế này. Nếu Bộ Tài chính cho rằng kinh phí phải 300 triệu USD mới đủ thì con số thực tế khó mà thấp hơn”.
“SEA Games 22 cho thấy năng lực làm dự toán chưa tốt cùng cách làm theo kiểu nước đến chân mới nhảy của ngành thể thao. Nếu tránh được bội chi quá dự toán thì việc khai thác các công trình sau ASIAD sẽ là trọng tâm cần chỉ đạo thật cụ thể, thật chặt chẽ” - GS Nguyễn Lân Dũng nói.
30-50 triệu USD từ bản quyền truyền hình
Theo ông Hoàng Vĩnh Giang, tại cuộc gặp Chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á (OCA) tại Quảng Châu tháng 11-2010, khi Việt Nam ngỏ ý muốn giành quyền đăng cai ASIAD 2019, OCA rất hoan nghênh và cho rằng Việt Nam cần xây mới sân đua xe đạp lòng chảo (khoảng 7 triệu USD) và trung tâm đua Canoeing, Rowing (khoảng 8 triệu USD). Lễ khai mạc, bế mạc sẽ được tổ chức đơn giản, hiệu quả và không quá tốn kém.
Theo đề án vận động đăng cai đại hội ban đầu, kinh phí tổ chức dự kiến khoảng 250 triệu USD (bằng 1/10 kinh phí tổ chức ASIAD 16). Sau khi OCA có chủ trương mới với khoảng 30 môn và việc không cần xây mới các công trình thi đấu thể thao, kinh phí tổ chức giảm còn khoảng 128,5 triệu USD. Đây là mức vừa phải đối với một nước có tiềm lực và đang phấn đấu trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại như Việt Nam. Ngoài ra, nếu đăng cai, Việt Nam tối thiểu có thể thu được 30-50 triệu USD từ khai thác bản quyền truyền hình và các thương quyền marketing khác của đại hội.
Bình luận (0)