xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ba đời ngang dọc Hoàng Sa

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

Ngày mở cửa biển vào tháng 3 âm lịch hằng năm, 9 con tàu của gia đình họ cùng xuất bến vươn khơi đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Với họ, ra khơi không chỉ để mưu sinh mà còn thực hiện lời dặn dò của cha ông: Phải gìn giữ biển đảo Tổ quốc bằng mọi giá

Nhắc đến những ngư dân can trường đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, nhiều người dân Đà Nẵng nghĩ ngay đến gia đình cụ Trương Văn Trọng (82 tuổi, ngụ phường Xuân Hà, quận Thanh Khê). Cụ Trọng có 9 người con, 8 trai và 1 gái, thì cả 9 đều là chủ tàu và là thuyền trưởng cừ khôi nhất nhì Đà Nẵng. Những ngày qua, bất chấp việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và tiếp đó là hàng loạt hành động quấy phá, họ vẫn một lòng cùng các ngư dân quả cảm đưa tàu ra Hoàng Sa đánh bắt.

Không thể bỏ biển 1 ngày

Vợ chồng cụ Trọng sống trong căn nhà 2 tầng khang trang ở một con hẻm nhỏ yên bình trên đường Trần Cao Vân nằm ven biển Đà Nẵng. Tuổi đã cao nhưng cụ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, chuyện trò hoạt bát, dí dỏm. Hôm tôi đến, vợ chồng cụ ngồi cặm cụi vá những tấm lưới đánh cá trên thềm nhà. “Lưới của thằng Hay con tôi. Tàu hắn bị phía Trung Quốc phá hỏng, lưới cũng hư” - cụ Trọng cho biết.

Vợ chồng cụ Trọng vá lại lưới cho các con chuẩn bị ra Hoàng Sa đánh bắt
Vợ chồng cụ Trọng vá lại lưới cho các con chuẩn bị ra Hoàng Sa đánh bắt

Năm 13 tuổi, cậu bé Trọng đã được cha, chú dẫn đi chuyến biển đầu tiên. Lên 16 tuổi, Trọng đã là một ngư dân cừ khôi, được chủ tàu trả lương như người lớn. Cụ Trọng nhớ lại: “Tôi được cha, chú chỉ dẫn từng bước nên học cách đánh bắt cá tôm nhanh lắm. Những bài học ấy cộng thêm kinh nghiệm cả đời đi biển, tôi truyền hết cho 8 thằng con trai và đứa con rể của mình”.

Anh Trương Văn Hay sốt ruột chờ tàu sửa xong để ra Hoàng Sa
Anh Trương Văn Hay sốt ruột chờ tàu sửa xong để ra Hoàng Sa

Năm 17 tuổi, mất mát lớn ập đến khi cả cha và chú ruột của chàng ngư dân trẻ đều nằm lại dưới biển khơi sau một cơn bão dữ. “Chuyến biển đó, tôi đi cùng tàu với cha và chú. Do tàu của nhà nhỏ nên cha đưa tôi sang tàu ngư dân khác to hơn. Chúng tôi cùng ra Hoàng Sa nhưng đánh bắt xa nhau. Khi bão ập đến, tàu tôi bị sóng gió đánh tơi bời nhưng may mắn thoát nạn chạy được về bờ. Còn cha và chú tôi cùng tất cả bạn thuyền trên con tàu nhỏ bị sóng nhấn chìm... Bây giờ đến ngày giỗ, tôi cùng con cháu chỉ thắp hương trước 2 ngôi mộ gió trong nghĩa trang để tưởng nhớ đến họ” - cụ Trọng ngậm ngùi.

Cha mất đi, Trọng trở thành trụ cột trong gia đình có mẹ già và 3 em còn nhỏ. Tạm thời bỏ biển, anh lên bờ bươn chải làm đủ nghề nhưng cuộc sống gia đình vẫn vô cùng khó khăn, vất vả. “Chỉ có biển mới nuôi nổi gia đình, giúp chúng tôi vượt qua khó khăn. Nghĩ vậy, tôi bàn với mẹ bán hết tài sản, gom góp, vay mượn bà con, hàng xóm để đóng tàu ra Hoàng Sa. Con tàu công suất máy 60 CV lúc đó đã rất hiện đại vì ngư dân ta chủ yếu đi biển bằng ghe nan có buồm. Những chuyến biển sau đó tôi gặp may, thuyền đầy tôm cá nên chỉ 1 năm đã trả hết nợ” - cụ Trọng hồi tưởng.

Năm 24 tuổi, Trọng thầm thương trộm nhớ cô gái mồ côi Nguyễn Thị Ngói, người cùng làng biển Thanh Hà. “Mỗi lần đi biển về, tôi lại thấy bà ấy đứng chen nhau mua cá của mình nên đem lòng thương. Tôi nói với mẹ mình mang trầu cau sang nhà dạm hỏi, cô ấy đồng ý, vậy là trở thành vợ chồng. Chín đứa con lần lượt ra đời, rồi chúng nó theo chân tôi xuống biển, ra Hoàng Sa. Đứa con gái khi lập gia đình cũng chọn chồng đi biển. Giờ đây, gia đình tôi không thể bỏ biển dù chỉ 1 ngày” - cụ Trọng khẳng định.

Trung Quốc làm càn, ngư dân đâu ngán!

Từ con tàu 60 CV ban đầu, nhờ chí thú làm ăn nên cụ Trọng có thêm vốn liếng, tài sản. Cụ quyết định đóng con tàu khác có công suất lớn hơn để đánh bắt dài ngày. Tám người con trai của cụ theo cha xuống tàu đi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa rồi lần lượt ra riêng. Họ cũng nối nghiệp cha đóng tàu lớn vươn ra Hoàng Sa.

Đến tuổi 60, cụ Trọng giã từ những chuyến đi biển để nghỉ ngơi. Lên bờ, cụ vẫn gắn với biển bằng cách chuẩn bị hậu cần cho những chuyến ra khơi của đội tàu gia đình.

“Từ năm 2002 đến 2007, gia đình tôi có 14 chiếc tàu lớn nhỏ. Tôi góp vốn rồi tụi hắn vay thêm tiền đóng mỗi đứa một chiếc để làm ăn. Thằng Hai, thằng Hay, thằng Minh, mỗi đứa có đến 2 chiếc. Sau này, do gặp bão nhiều lần nên các tàu hư hỏng, các con tôi đã sang nhượng bớt. Đội tàu gia đình giờ chỉ còn 9 chiếc nhưng vẫn hùng hậu nhất Đà Nẵng. Con tôi toàn rủ nhau đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa” - cụ tự hào.

Trong số 8 người con trai và anh con rể đều là thuyền trưởng, vợ chồng cụ Trọng luôn nhắc đến anh Trương Văn Hay, con trai thứ 4 của gia đình. Anh Hay là một trong những thuyền trưởng cùng các tàu cá khác kiên trì rẽ sóng ra Hoàng Sa trong những ngày Trung Quốc vừa mới hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng  biển Việt Nam.

Vừa trở về đất liền sau gần 1 tháng ở Hoàng Sa, anh Hay lại tất bật ngược xuôi để sửa chữa con tàu ĐNa 90235 TS bị tàu Trung Quốc đâm hỏng. Chuyến biển vừa rồi, tàu của anh cùng đội ngư dân quận Thanh Khê cùng liên kết ra đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa. Vị trí đánh bắt của đội chỉ cách nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển nước ta chỉ khoảng 10-17 hải lý.

“Gần 1 tháng trời lênh đênh trên biển, tàu của tôi cùng các ngư dân khác liên tục bị tàu cá vỏ sắt, tàu hải cảnh, hải giám của Trung Quốc quấy phá, gây hấn với nhiều chiêu trò thâm độc. Chúng tôi thả lưới xuống là tàu Trung Quốc tăng tốc chạy tới đẩy đuổi, dọa nạt. Mỗi lần như vậy, ngư lưới cụ của chúng tôi đều bị gãy, rách. Chúng tôi bỏ đi thì họ đuổi theo, ném mảnh vỡ thủy tinh, chai lọ sang, gây bể kính tàu, hư buồng lái. Tàn độc hơn, tàu Trung Quốc ỷ to lớn nên đâm trực diện, va chạm khiến tàu cá của ngư dân chúng ta hư hỏng nặng” - anh Hay căm phẫn.

Anh Hay cho biết tàu ĐNa 90235 TS được đóng năm 2003, công suất 340 CV, lớn nhất Đà Nẵng lúc bấy giờ. Năm 2010, anh nâng công suất máy tàu lên

765 CV. “Đóng tàu to, công suất máy lớn thì đi biển yên tâm hơn, đỡ sợ bão tố. Tàu to làm ăn cũng có lãi hơn, thời gian đi biển dài ngày, đỡ mất công chạy ra chạy vô” - anh giải thích.

Những ngày cuối tháng 6-2014 này, ngoài tàu của anh Hay và anh Trương Văn Minh (con trai thứ 7 của cụ Trọng) vào trong bờ thì 7 con tàu còn lại của gia đình đều đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa. Tàu của anh Minh đang chuẩn bị lương thực, thực phẩm để xuất bến. “Gạo, mắm, đá cây, nước ngọt... đều đã chuẩn bị xong. Vài ngày nữa đẹp trời, chúng tôi lại ra Hoàng Sa” - anh Minh khẳng định.

Anh Minh cũng là một trong những thuyền trưởng can trường vừa trở về từ vùng biển Hoàng Sa. Chuyến ra khơi đánh bắt của anh cùng các thuyền viên đã bị lỗ phí tổn nhưng may mắn tàu không hư hại. “Phía Trung Quốc liên tục làm càn nhưng ngư dân chúng tôi đâu có ngán! Bao đời nay, ông nội, cha tôi rồi tụi tôi đều đánh bắt ở Hoàng Sa. Mình có chính nghĩa nên chẳng sợ chi cả!” - anh Minh quả quyết.

Chia tay chúng tôi, đứng trên bờ biển Đà Nẵng nhìn theo những con tàu rẽ sóng ra Hoàng Sa, anh Hay nóng lòng muốn xuất bến ngay lập tức. “Phải 1 tuần nữa, tàu mới sửa xong, khi đó tôi sẽ lập tức ra Hoàng Sa thôi” - anh sốt ruột. 

Còn 1 người, 1 tàu cũng đi

Từ ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cụ Trọng luôn theo dõi sát sao các tin tức liên quan. “Sáng nào tôi cũng mua báo, tối thì làm gì làm, đúng 19 giờ phải dẹp hết để bật tivi nghe thời sự về chuyện giàn khoan. Dù già rồi nhưng tôi vẫn tức không chịu nổi. Nếu còn trẻ, tôi cũng dong tàu ra đó đánh bắt, xem họ làm chi được ngư dân mình” - cụ bức xúc.

Theo cụ Trọng, trước đây, khi ra đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, cụ cũng thường xuyên gặp tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc. “Lúc đó, tàu của Trung Quốc nhỏ, hay gặp nạn nên tôi cùng ngư dân mình thường giúp đỡ, tặng thức ăn, nước uống. Trước năm 1974 - thời điểm Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa - trên đảo có người Việt mình ở, sinh sống, làm việc. Thỉnh thoảng, ngư dân tụi tôi mang cá đánh bắt được vào đảo tặng họ và được họ tặng lại thịt tươi” - cụ Trọng nhớ lại.

Cụ Trọng cho biết khi mỗi người con đến tuổi, bắt đầu xuống tàu theo cha ra biển đều được cụ kể lại những câu chuyện về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. “Tôi kể những mẩu chuyện về các đội dân binh Hoàng Sa theo lệnh triều đình nhà Nguyễn ra giữ đảo, về chuyện xương cốt ông nội chúng cũng như nhiều ngư dân khác còn nằm lại đâu đó dưới vùng biển Tổ quốc. Truyền nghề đi biển 1, tôi truyền đạo lý cho con tới 10. Tôi luôn bảo đám con rằng gia đình mình dù còn 1 người, 1 tàu cũng phải ra Hoàng Sa. Phải quyết giữ biển đảo cho con cháu, không được lùi bước…” - cụ  thổ lộ.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo