xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ba năm nữa, không còn học sinh “ngồi nhầm lớp”

Y.Anh - H.Dũng - H.Lân - C.Tuấn

Toàn ngành giáo dục phải nỗ lực để đến hết năm học 2008 - 2009 cơ bản giải quyết dứt điểm tình trạng học sinh (HS) “ngồi nhầm lớp”... Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định như vậy tại hội nghị giao ban giám đốc các sở GD- ĐT tổ chức ngày 7- 3 tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và TPHCM tìm biện pháp giải quyết thực trạng HS “ngồi nhầm lớp” qua cầu truyền hình.

Những con số “buồn”

Những con số mà Bộ GD- ĐT công bố tại hội nghị khiến nhiều người giật mình: Ở cấp tiểu học có hơn 417.000 HS trên tổng số 7,31 triệu HS thuộc diện yếu kém (chiếm 5,7%); ở cấp THCS có 1,02 triệu/6,06 triệu HS yếu kém (chiếm 16,9%); ở cấp THPT có 694.000/2,99 triệu HS yếu kém (chiếm 23,16%). “Chúng ta làm sao có thể yên tâm, hài lòng với những con số nhức nhối này”, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói. Người đứng đầu ngành giáo dục cũng thừa nhận tình trạng HS yếu kém có ở tất cả các tỉnh, TP. “Nhưng đây không phải là lúc chúng ta đổ lỗi cho nhau mà cần nhìn thẳng vào thực tế và bàn cách giải quyết”.

Trách nhiệm thuộc giáo viên

Ông Nguyễn Văn Bền, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Kạn, cho rằng hiện nay cả nước có chủ trương chống lưu ban ở lớp 1, 2, 3 vì thế HS học kém vẫn phải lên lớp.

Từ đầu cầu TPHCM, ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng sở dĩ có chuyện HS yếu kém, HS “ngồi nhầm lớp” là do các thầy cô giáo chưa sâu sát những đối tượng HS cụ thể. Phân tích vấn đề này, ông Minh nói: Chất lượng giáo dục phụ thuộc năng lực thể hiện phương pháp dạy học của thầy cô giáo, sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình và cách đánh giá của người quản lý, trong đó trách nhiệm quan trọng nhất là ở giáo viên (GV). Phần đông HS chưa có phương pháp học tập tốt.

Ông Đỗ Hữu Tài, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, nói: Bệnh thành tích đi đôi với thi đua. Cũng có nhiều lãnh đạo địa phương quan trọng hóa chỉ tiêu thi đua. Ông Tài cho rằng chỉ tiêu thi đua là điều tất yếu phải có trong mọi ngành, nhất là trong giáo dục, nhưng không nên vì thế mà chạy theo với bất cứ giá nào. Ông dẫn chứng ở Đồng Nai trước đây, Sở GD-ĐT không chạy theo thành tích, mạnh dạn chấp nhận tỉ lệ tốt nghiệp THPT chỉ đạt 40% (bị kiểm điểm vào thời điểm đó).

Tại đầu cầu Cần Thơ, Giám đốc Sở GD- ĐT TP Cần Thơ Huỳnh Thị Ngô Minh cho rằng trình độ của GV hạn chế đã ảnh hưởng đến chất lượng HS. Đây là chuyện có thật. Bởi lẽ trước đây, rất nhiều GV của tỉnh chỉ được bồi dưỡng cấp tốc trong thời gian ngắn rồi bước lên bục giảng.

Sở phải tham mưu cho tỉnh

Ông Hồ Viết Hiệp, Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, cho biết trong học kỳ 2 năm học này, ngành giáo dục tỉnh An Giang xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm cần phải tập trung là phải tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng HS yếu kém và HS ngồi nhầm lớp và phải tạo chuyển biến về chất lượng để cải thiện tỉ lệ tốt nghiệp đối với cấp THPT.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu lãnh đạo sở phải tham mưu cho tỉnh thấy được vấn đề nguy hiểm của việc “ngồi nhầm lớp”. “Các sở cứ bàn với tỉnh và phụ huynh rồi quyết định phương án, bộ sẽ có chủ trương và hướng dẫn cụ thể” - ông Nhân nói.

Tổ chức thi nghiêm túc

Tại đầu cầu Đà Nẵng, lãnh đạo các sở GD-ĐT kiến nghị bộ cần có chủ trương sử dụng nguồn ngân sách để phụ đạo cho HS yếu kém; thay đổi nội dung xếp loại HS tiểu học; đối với HS dân tộc cần có nội dung chương trình dạy tiếng dân tộc cụ thể và kinh phí hỗ trợ bồi dưỡng cho GV dạy tiếng dân tộc; bộ cần chỉ đạo đúng mức và chặt chẽ việc đánh giá thi cử đối với HS trung học để tránh tình trạng “ngồi nhầm lớp”.

Giám đốc Sở GD- ĐT TP Cần Thơ Huỳnh Thị Ngô Minh đề nghị: “Bộ nên có những chủ trương, chính sách giúp cho địa phương trong việc bồi dưỡng đội ngũ GV và những người làm công tác quản lý để góp phần nâng cao chất lượng HS”. Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang Hồ Viết Hiệp kiến nghị: “Bộ GĐ-ĐT nên tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông một lần. Đối với việc ra đề thi, bộ nên xem xét ra đề thi ở mức trung bình, vừa phải nhưng tổ chức thi nghiêm túc chứ không nên ra đề khó sẽ... gây sốc lớn cho dư luận xã hội”.  

8 giải pháp chống “ngồi nhầm lớp”

Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân của việc HS “ngồi nhầm lớp”, HS yếu kém, Bộ GD-ĐT đã đưa ra 8 giải pháp giúp đỡ HS yếu kém, gồm: 1. Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo các ngành tạo điều kiện tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”, hướng dẫn cụ thể hơn về nội dung, tiêu chí đánh giá HS yếu, kém; 2. Các sở GD-ĐT quán triệt đầy đủ để phối hợp với các cấp quản lý; 3. Các cơ sở giáo dục tiến hành rà soát, phân loại các nhóm đối tượng trong số HS có học lực yếu kém; 4. Nhà trường phân công ban giám hiệu chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch giảng dạy, giúp đỡ HS yếu kém; 5. Bộ sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ một phần kinh phí cho các địa phương để thực hiện việc phụ đạo, bồi dưỡng cho HS yếu kém; 6. Tăng cường cơ sở vật chất cho các trường, tăng cường đội ngũ GV về số lượng lẫn chất lượng, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học; 7. Tăng cường công tác thanh tra chuyên môn nhằm đánh giá đúng thực chất kết quả dạy học ở từng lớp, của từng GV; 8. Những tỉnh có tỉ lệ HS yếu kém cao, sở GD-ĐT báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về các giải pháp khắc phục phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh địa phương.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo