Cơn bão số 11 có sức gió mạnh cấp 15-16 đã quần thảo các tỉnh, thành từ Quảng Trị đến Quảng Nam suốt đêm 14 rồi sang trưa 15-10. Ngay khi vào đất liền, bão đã gây nên cảnh tan hoang, xơ xác.
Núp gầm giường mà run!
Đêm 14-10 là một đêm thức trắng của nhiều người dân ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng. Suốt đêm, gió rít liên hồi, mưa tuôn xối xả, mái tôn bay loạn xạ và điện cúp hoàn toàn.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Tố Hương (ngụ quận Sơn Trà, TP Nẵng) lo lắng: “Gió giật mạnh chưa từng thấy. Nhà tôi kiên cố như thế này nhưng vẫn nghe mái tôn bần bật thì các nhà khác chắc bị thiệt hại nặng”.
Lúc đó, trên các tuyến đường Lê Duẩn, Trần Phú, Hàm Nghi, Nguyễn Văn Linh… (TP Đà Nẵng), biển quảng cáo bị gió quật ngã hàng loạt, cây xanh đổ la liệt. Cúp điện, toàn TP Đà Nẵng chìm trong bóng tối.
Ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, gần sáng 15-10, hàng ngàn căn nhà bị tốc mái và đổ sập. Tuyến đường liên xã dài gần 10 km bị tê liệt do cây cối đổ chắn ngang.
Đến 7 giờ 30 phút, gió vẫn giật liên hồi ở TP Đà Nẵng. Còn tại phường An Sơn, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, nhiều nhà dân sống ven sông Bàn Thạch đã bị cổ thụ gãy đè lên mái. Các tuyến đường ở TP Hội An; các xã Tam Phú, phường An Phú (TP Tam Kỳ) và một số khu vực của xã Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Tiến (huyện Núi Thành) chìm sâu trong nước. Gió mạnh cuốn cả người đi đường và xe máy nên đến 9 giờ, người dân vẫn chưa dám ra khỏi nhà.
Trong đêm trước đó, người dân ở TP Tam Kỳ và huyện Phú Ninh phải gọi điện đến Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam kêu cứu về nhà sập, tốc mái đe dọa tính mạng. Đến 10 giờ hôm sau, gió vẫn hung hãn kèm mưa tuôn không ngớt.
Ngổn ngang sau bão
Trưa 15-10, tâm bão số 11 đã sang Lào nhưng cơn bão này đã để lại hậu quả nặng nề cho các tỉnh, thành miền Trung. Khi bão đi qua, nhiều người mở cửa nhà mình đã không tin vào cảnh tượng trước mắt.
Khắp nơi đều chung cảnh hoang tàn, hàng trăm ngàn căn nhà bị sập, tốc mái. Những con đường dẫn xuống biển bị chặn bởi cây cối ngã rạp, một số tuyến đường bị nước lũ chia cắt hoàn toàn. Tuyến đường du lịch Hoàng Sa, Trường Sa (chạy dọc theo biển Sơn Trà - Điện Ngọc) ở TP Đà Nẵng ngổn ngang đất đá, cây cối. Hệ thống điện chiếu sáng vẫn bị tê liệt hoàn toàn. Hàng trăm người dân đã mang theo can, thùng kéo nhau đi mua xăng, dầu khiến các cây xăng quá tải.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, bão số 11 đã làm một chiếc ghe chở 6 người đi săn chuột ở thôn Mỹ Xá, xã Quảng An, huyện Quảng Điền bị lật giữa cánh đồng nước sâu trên 3 m. Sau khi bị lật, 5 người trên ghe đã cố gắng bơi được vào bờ, riêng ông Nguyễn Văn Hậu (36 tuổi) vẫn mất tích.
Mưa bão đã làm tê liệt hoàn toàn hệ thống điện của 8 huyện, thị xã thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo UBND xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, sóng lớn đã làm vỡ tuyến đê dài 5 m từ trung tâm xã vào xóm Cồn Đâu. Đoạn đê biển này đã bị sạt lở nặng từ năm 2012, sau nhiều lần được kè đá thì nay đã bị xé toạc, nối biển với phá Tam Giang.
Quảng Nam là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do bão với hơn 5.000 căn nhà hư hỏng nặng nề, 181căn bị đánh sập hoàn toàn, 79.240 cây ăn trái ngã đổ...
Bão đã giật tung la phông tầng 2 của Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; khoảng 20 cán bộ, bác sĩ cùng nhiều bệnh nhân phải bỏ chạy. Nhiều tấm kính lớn của trụ sở trung tâm hành chính TP Đà Nẵng đang xây dựng cũng bay tứ tung... |
Bình luận (0)