Đến nhà dưỡng lão Minh Trần trên đường Bình Long, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP HCM, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy cơ sở này nằm giữa hàng trăm ngôi mộ, kế bên là ngôi chùa đang xây dang dở.
Sống riết rồi quen
Gọi là nhà nhưng thực tế, Minh Trần chỉ như một căn phòng ký túc xá lớn với hơn 20 giường chia làm 2 dãy, mỗi chiếc đủ cho một cụ nằm. Kế phòng ở là 2 nhà vệ sinh che chắn sơ sài. Phía sau dãy nhà, khu vực rửa chén bát, giặt giũ phủ đầy rêu trơn trượt.
Chỗ ở và sinh hoạt chung của các cụ tại Nhà dưỡng lão Minh Trần Ảnh: VÕ LÊ
Mái ấm Mây Bốn Phương nằm trong một con hẻm khá yên ắng, mát mẻ trên đường Nguyễn Thị Nê, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP HCM. Kế bên là căn nhà của vợ chồng anh Lê Văn Đến - chị Bùi Thị Kim Loan, 2 người khiếm thị dựng nên mái ấm này. Ngay đầu hẻm vào mái ấm, chúng tôi đã nhìn thấy tấm bảng ghi dòng chữ kêu gọi “Xin các mạnh thường quân giúp đỡ”.
Mây Bốn Phương hiện cưu mang 48 người khuyết tật, trẻ em cơ nhỡ. Họ cư ngụ trong các căn phòng sát nhau, mỗi căn chưa đầy 9 m2, chật chội, ẩm mốc, tối tăm. Không bảo mẫu, chỉ có một người hàng xóm tình nguyện đến phụ chăm các bé, còn việc nấu nướng cho cả mái ấm do một tay chị Loan lo liệu.
“Mái ấm hiện nuôi 10 trẻ cơ nhỡ, nhỏ nhất 15 tháng, trong đó 5 bé đã đi học. Còn người lớn thì hầu hết đều khiếm thị, chỉ vài người đi làm. Vợ chồng tôi còn nuôi 3 con đang tuổi ăn học nên rất khó khăn. Thiếu trước hụt sau, chúng tôi phải liệu cơm gắp mắm, tiết kiệm lắm thì mỗi tháng cũng tốn 15 triệu đồng. Để có số tiền này, tôi đi mát-xa, còn chồng thì chơi nhạc, cho thuê dàn âm thanh… Thỉnh thoảng cũng có mạnh thường quân ghé thăm nhưng không ổn định do cơ sở ở quá xa trung tâm và khó tìm” - chị Loan lo lắng.
Cách đó không xa, cơ sở nuôi dạy trẻ Phương Minh nằm trong khuôn viên một ngôi chùa ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Nơi đây hiện nuôi dưỡng 14 trẻ mồ côi nhưng chỗ ăn ở, học hành của các em lại nằm chung với chánh điện nhà chùa. Mái ấm Tình Mẹ - nơi nuôi 13 người nhiễm HIV ở thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi - khá thoáng đãng, tinh thần người bệnh khá tốt nhưng do tự phát nên kinh phí thường thiếu hụt.
Mái ấm Phan Sinh trên đường Tân Kỳ Tân Quý, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, nơi cưu mang 14 người khuyết tật, cũng vậy. Ông Võ Thái, người quản lý mái ấm Phan Sinh, băn khoăn: “Cái khó nhất là kinh phí trang trải hoạt động bởi nguồn hỗ trợ từ mạnh thường quân không ổn định. Có tháng mạnh thường quân hỗ trợ chỉ 2 triệu đồng, còn lại chúng tôi tự xoay xở”.
Sống nhờ mạnh thường quân
Ông Lê Chu Giang, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho biết 5 cơ sở nêu trên nằm trong 24 cơ sở bảo trợ xã hội mà sở vừa tổ chức đợt kiểm tra. 24 cơ sở này hoạt động từ trước năm 2000 và đều không có giấy phép.
Qua kiểm tra, Sở LĐ-TB-XH nhận thấy cả 24 cơ sở đều không bảo đảm cơ sở vật chất, không đủ điều kiện về y tế, chăm sóc cho các đối tượng, nguồn tài chính không ổn định để tổ chức nuôi dưỡng. Ngoài ra, giấy tờ nhà, đất để thành lập cơ sở trú đóng cũng không hợp pháp.
“Theo Nghị định 68 năm 2008 và Nghị định 81 năm 2012, diện tích phòng ở của đối tượng bảo trợ bình quân 6 m2/người, cơ sở phải bảo đảm nguồn tài chính... Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở mà chúng tôi kiểm tra đều chật chội, không có sân chơi, không người chăm sóc, nguồn tài chính chủ yếu dựa vào vận động” - ông Giang cho biết.
Mới đây, Sở LĐ-TB-XH đã có văn bản gửi UBND quận Bình Tân và huyện Củ Chi yêu cầu chấm dứt hoạt động của 5 cơ sở bảo trợ xã hội nêu trên. 19 cơ sở còn lại sẽ phải hoàn chỉnh hồ sơ, đề án hoạt động gửi sở thẩm định, nếu đủ điều kiện thì sẽ được tiếp tục hoạt động.
Cưu mang hơn 900 người Theo Sở LĐ-TB-XH, hiện TP HCM có hơn 60 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập. Trong đó, 24 cơ sở vừa kiểm tra đang nuôi dưỡng hơn 900 người, phần lớn là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi, khuyết tật. “Các cơ sở này chia sẻ với nhà nước trong việc chăm sóc đối tượng xã hội là điều đáng ghi nhận nhưng điều quan trọng là họ phải tuân thủ đúng quy định” - ông Giang nhìn nhận. |
Bình luận (0)