Ngày 25-2, HĐND TP HCM đã làm việc với UBND TP về tình hình quản lý và đầu tư hệ thống các trạm quan trắc trên địa bàn.
Sao không duy tu?
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), cho biết năm 2000, Đan Mạch và Na Uy tài trợ cho TP 9 trạm quan trắc tự động, chủ yếu là quan trắc môi trường giao thông, cộng với 6 trạm quan trắc bán tự động (sử dụng nhân lực và đưa thiết bị đến lấy mẫu, phân tích với số lần và thời gian nhất định) là 15 trạm quan trắc. Đến năm 2012, các trạm quan trắc tự động xuống cấp và ngưng hoạt động nên chuyển cả 15 trạm thành quan trắc bán tự động. Trong tháng 1-2016, TP cũng đưa vào sử dụng 16 trạm quan trắc tự động chất lượng nước thải sau xử lý tại các KCN-KCX. Theo ông Phước, Sở TN-MT đang triển khai dự án đầu tư trung tâm quan trắc và phân tích môi trường với kinh phí 78 tỉ đồng, trong đó có đầu tư 2 trạm quan trắc tự động về không khí tại xa lộ Hà Nội và quận Bình Tân. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đang đề xuất lên UBND TP dự án Nâng cao năng lực quan trắc môi trường, giai đoạn 2016-2020 với tổng vốn đầu tư gần 495 tỉ đồng.
“Một TP gần 10 triệu dân với lượng phương tiện lớn như vậy mà quan trắc thủ công thì liệu có ổn không? Nước bạn tài trợ hệ thống quan trắc tự động để hỗ trợ và khuyến khích chúng ta bảo vệ môi trường. Đáng ra thấy hiệu quả thì cần phát triển, đầu tư thêm, đằng này lại xài hết niên hạn rồi bỏ mà không lên kế hoạch duy tu hoặc tái đầu tư?” - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP, đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Văn Phước cho rằng quan trắc bán tự động cũng cung cấp được số liệu đánh giá chất lượng môi trường, không có sai biệt lớn nhưng quan trắc tự động thì số liệu liên tục và kịp thời hơn. “Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt, nước ngầm cơ bản là đạt; còn chỉ tiêu về bụi lơ lửng và tiếng ồn tại các trạm quan trắc đều vượt quy chuẩn cho phép. Bên cạnh đó, vốn đầu tư các trạm quan trắc tự động lớn nên chúng tôi đề xuất đầu tư dần để phù hợp với ngân sách” - ông Phước lý giải.
Làm thủ tục quá chậm
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung cho rằng Sở TN-MT báo cáo chất lượng nước mặt ổn nhưng trên thực tế, HĐND TP đi giám sát thì người dân vẫn còn kêu rất nhiều về vấn đề ô nhiễm. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm dẫn chứng: “Năm 2015, Trung tâm Y tế dự phòng đã lấy mẫu phân tích, kết quả cho thấy gần 100% không đạt tiêu chuẩn nhưng báo cáo của Sở TN-MT thì kết quả quan trắc chất lượng nước ngầm vẫn đạt quy chuẩn cho phép!”. Theo ông Trương Lâm Danh, Phó Ban Pháp chế, công tác đo đạc, lấy mẫu của Sở TN-MT tiến hành lúc 7 giờ 30 phút - 8 giờ 30 phút và 15 giờ - 16 giờ nhưng trên thực tế, TP cho phép xe tải trọng lớn ra vào từ 9 giờ - 15 giờ và sau 18 giờ. “Khi đó, khối lượng thải ra rất lớn nhưng lại không đo được. Vậy số liệu quan trắc có phản ánh được hết các vấn đề về chất lượng môi trường không?” - ông Danh nêu.
Ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP, cho biết chi phí đầu tư một trạm quan trắc tự động khoảng 10 tỉ đồng, thêm 15% chi phí vận hành, bảo dưỡng hằng năm. Nếu xét về lâu dài, đầu tư các trạm tự động kinh tế và hiệu quả hơn các trạm bán tự động.
Đại diện Sở Tài chính khẳng định vốn không phải vấn đề lớn trong câu chuyện về các trạm quan trắc. Vấn đề chính là do Sở TN-MT thực hiện thủ tục quá chậm, không được ghi vốn đầu tư, không kịp giải ngân nên phải xin tạm ứng vốn.
Lãng phí vốn
Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP, nhận định việc chậm đầu tư các hệ thống quan trắc không chỉ dẫn đến chậm xử lý các vấn đề môi trường mà còn là một hình thức lãng phí vì vốn đã ghi nhưng không thực hiện. “Sở Kế hoạch - Đầu tư hỗ trợ Sở TN-MT trong công tác lập thủ tục đầu tư, vướng ở đâu thì UBND TP sẽ trực tiếp tháo gỡ” - ông Khoa chỉ đạo.
Bình luận (0)