Sáng 16-4, theo kế hoạch, TAND TP Hà Nội sẽ khai mạc phiên xét xử sơ thẩm vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và một số công ty trên địa bàn TP HCM, TP Hà Nội. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 29-4.
Gây thiệt hại gần 1.700 tỉ đồng
Có 9 bị cáo bị đưa ra xét xử. Trong đó, Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng Đầu tư ACB, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Sáng lập ACB) bị truy tố 4 tội: kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhóm bị cáo bị truy tố tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Trần Xuân Giá (75 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT ACB), Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB), Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB), Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB), Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc ACB), Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi, nguyên thành viên HĐQT ACB).
Hai bị cáo bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội), Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội).
Theo cáo trạng, bầu Kiên cùng các bị can Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã đồng ý cho thực hiện chủ trương, ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng sai quy định, gây thiệt hại 718,9 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như - nguyên Trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh TP HCM - chiếm đoạt.
Đối với hành vi cấp tín dụng để đầu tư cổ phiếu ACB, ngày 2-1-2009, thường trực HĐQT ACB đã họp và ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) để mua cổ phiếu ACB. Chủ trương này trái với quy định của Bộ Tài chính, gây thiệt hại cho ACB hơn 687,7 tỉ đồng. Cáo trạng lần 2 đã truy tố 2 bị can Nguyễn Đức Kiên và Lê Vũ Kỳ về hành vi này.
Ngoài ra, bầu Kiên còn thành lập 6 công ty do chính ông ta làm chủ tịch HĐQT/ hội đồng thành viên, gồm: Công ty CP Phát triển sản xuất - Xuất nhập khẩu Thiên Nam, Công ty CP Đầu tư thương mại B&B, Công ty CP Tập đoàn Tài chính Á Châu, Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội, Công ty CP Đầu tư Á Châu và Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội.
Về hành vi trốn thuế, năm 2009, Công ty B&B kinh doanh vàng trên tài khoản ngoài lãnh thổ Việt Nam với ACB, thu được số tiền lãi hơn 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, bầu Kiên đã trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 25 tỉ đồng. Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bầu Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến lập khống biên bản họp HĐQT và quyết định của HĐQT thể hiện chủ trương của HĐQT công ty để bán 20 triệu cổ phần cho Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát, lấy 264 tỉ đồng, bất chấp số cổ phần này đang bị thế chấp cho ACB.
Tổng số tiền thiệt hại do 9 bị can gây ra trong vụ án này là 1.695,6 tỉ đồng.
Diễn biến bất ngờ trước phiên xét xử
Đáng chú ý, ban đầu, CQĐT đã khởi tố ông Phạm Trung Cang song đến ngày 7-10-2013, lệnh cấm xuất cảnh đối với ông được dỡ bỏ. Ngày 12-12-2013, VKSND Tối cao bất ngờ đình chỉ vụ án đối với ông này. Ngày 24-12-2013, ông Cang rời Việt Nam qua cửa khẩu hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Do thấy dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, TAND Hà Nội đã trả hồ sơ ngày 3-1-2014, đề nghị điều tra bổ sung ông Cang và ông Huỳnh Quang Tuấn thì ông Cang mới trở về Việt Nam. Đến cáo trạng lần 2, VKSND Tối cao xác định 2 bị can Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn phải chịu trách nhiệm hình sự về chủ trương ủy thác trái quy định, gây thất thoát cho ACB.
Ngay chiều 15-4, trước phiên xét xử, theo một nguồn tin, ông Trần Xuân Giá cho biết đang phải điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) vì vấn đề sức khỏe. Ông Trần Xuân Giá cũng chắc chắn không thể tham dự phiên xét xử ngày 16-4. Khi nghe tin ông Giá bị bệnh, các cơ quan tiến hành tố tụng đã đến xác minh và làm việc với bệnh viện.
Trước đó, một số luật sư cũng có đơn đề nghị TAND TP Hà Nội, VKSND Tối cao, VKSND TP Hà Nội hoãn phiên xử để chờ kết quả xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. Sở dĩ có việc này là vì cáo trạng xác định bầu Kiên cùng các cá nhân có hành vi cố ý làm trái khi ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi tiền vào VietinBank, sau đó bị Huỳnh Thị Huyền Như giả chứng từ để rút tiền chiếm đoạt 718 tỉ đồng.
Ngày 6-1, trong phiên sơ thẩm, TAND TP HCM đã tuyên bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phải bồi thường cho ACB 718 tỉ đồng, đồng thời buộc VietinBank trả lại cho ACB số tiền 24 tỉ đồng vẫn còn trong tài khoản của các nhân viên ACB tại VietinBank. Do vậy, án sơ thẩm vụ Huyền Như chưa xác định được chính xác số tiền bị cáo này chiếm đoạt là toàn bộ 718 tỉ đồng hay trừ đi 24 tỉ đồng VietinBank phải trả. Hậu quả của hành vi cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (nếu có) cũng chưa xác định được chính xác. Các kháng cáo, trong đó có ACB, về việc yêu cầu VietinBank phải trả tiền sẽ được xem xét tại phiên tòa phúc thẩm. Do đó, các luật sư đề nghị TAND TP Hà Nội chờ kết quả phiên tòa phúc thẩm vụ án Huyền Như nhằm xác định chính xác thiệt hại của ACB và trách nhiệm dân sự trong vụ án.
Hai thẩm phán, 20 luật sư tham gia phiên tòa
HĐXX sơ thẩm gồm 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Hữu Chính - Phó Chánh án TAND TP Hà Nội, thẩm phán thứ hai là ông Nguyễn Quốc Thành - Phó Chánh Tòa Hình sự. Giữ quyền công tố tại tòa là ông Đào Văn Cường, Phó Viện trưởng VKSND TP Hà Nội và bà Nguyễn Thị Thu Yến.
Tham gia bào chữa cho 9 bị cáo trong vụ án có 20 luật sư. Trong đó, bị cáo Nguyễn Đức Kiên có 4 luật sư bào chữa, Lý Xuân Hải và Huỳnh Quang Tuấn mỗi người có 3 luật sư bào chữa.
Bình luận (0)