Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 10 do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã tiếp xúc cử tri huyện Bình Chánh và quận 8, TP HCM vào ngày 3-5. Buổi tiếp xúc “nóng” lên khi cư tri đặt nhiều câu hỏi liên quan đến nhiều vấn đề của ngành y đã và đang xảy ra khiến nhiều trẻ tử vong.
Vì sợ tai biến nên không tiêm ngừa
Ông Nguyễn Hồng Phúc, cử tri huyện Bình Chánh, đặt vấn đề: “Bệnh sởi tạm ổn nhưng có thể phát tán lại không? Còn bệnh tay chân miệng đang phát tán ở TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, làm cách nào giải quyết?”.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Ngay từ khi dịch sởi xảy ra, chúng tôi đã trực tiếp đến các tỉnh miền núi, vùng có bệnh nhân chết đầu tiên để làm việc với chính quyền địa phương. Rất nhiều công điện, chỉ thị của Bộ Y tế gửi các địa phương để họ chỉ đạo ngành y tế, sở Thông tin và Truyền thông cùng các sở, ban - ngành để vận động người dân đi tiêm ngừa”. Bà Tiến cũng đặt lại vấn đề: “Nhưng tại sao dịch lại nổ ra?”. Theo bà: Thứ nhất, có lẽ là do chu kỳ. Năm 2009-2010, Việt Nam cũng có dịch sởi, số ca mắc thì nhiều hơn bây giờ nhưng số chết thì ít hơn. Thứ hai, có lẽ do biến đổi khí hậu. Miền Bắc cho đến giờ này là vẫn đang còn ẩm, độ ẩm rất cao và lạnh cho nên số ca mắc bệnh sởi nhiều hơn, tử vong nhiều hơn. Cũng như dịch tay chân miệng ở miền Nam nặng hơn là do khí hậu.
“Nhưng nguyên nhân chính là do người dân sợ tai biến phát sinh nên không đi tiêm ngừa. Ở các nước phát triển, tai biến do tiêm ngừa cũng có thể xảy ra. Chúng tôi đã nhiều lần giải thích với bà con là khi chúng ta uống viên thuốc vào, ngay người lớn tiêm thuốc vào để chữa bệnh cũng có xác suất rất nhỏ là có những tai biến dẫn đến tử vong như sốc thuốc. Một năm, chúng ta tiêm ngừa 4,5 triệu trẻ, chắc chắn thế nào cũng có những tai biến. Cách tuyên truyền là chúng ta vẫn phải vận động người dân “tai biến có nhưng đổi lại không thể bằng số tử vong nếu như chúng ta không tiêm ngừa” - bà Tiến chốt lại.
Một nguyên nhân khác được Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra là do người dân dù bệnh nặng hay nhẹ đều dồn tất cả lên bệnh viện tuyến trên. Theo thiết kế ban đầu, Bệnh viện Nhi trung ương chỉ 450 giường, bây giờ có lúc 1.700 giường cho nên quá tải. Bà Tiến nói: “Ở tuyến dưới, người ta không giữ bệnh nhân lại được mặc dù Bộ Y tế đã ban hành phân tuyến kỹ thuật, bệnh nhẹ thì chỉ cần nằm ở tuyến xã, phường, quận - huyện. Lên tuyến trên từ chối thì bệnh nhân lại bảo “Không được, có chết họ cũng nằm đây còn hơn về tuyến dưới”. Chính việc đó đã gây bệnh chồng bệnh. Đấy, chúng ta thấy rất nhiều bệnh nhân sởi nằm ở tuyến bệnh viện quận, huyện đâu có sao!”.
Trong tương lai, chắc chắn giảm tải
Trước ý kiến cử tri đề cập vấn đề chăm sóc sức khỏe, bà Tiến cho rằng đây là việc của cả hệ thống. Bộ Y tế là cơ quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo soạn thảo các văn bản phòng chống bệnh truyền nhiễm, công bố dịch. Luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng đã quy định rõ về tiêm chủng, người sản xuất vắc-xin sai thì chịu trách nhiệm gì, người tiêm nhầm thì chịu trách nhiệm gì...
Lấy vụ 3 trẻ em ở tỉnh Quảng Trị chết sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B làm ví dụ, bà Tiến nói sau khi công an điều tra thì phát hiện y tá tiêm nhầm thuốc. “Có những việc do sơ ý chứ không phải cố ý giết người nhưng chúng ta quá sợ hãi nên không đi tiêm ngừa. Tôi sợ nếu người dân không đưa các cháu đi tiêm viêm gan B thì độ khoảng 10-12 năm sau Việt Nam có một thế hệ các cháu bị nhiễm viêm gan B mạn tính. Mà viêm gan là tiền thân của ung thư gan, xơ gan. Cho nên, bà con cô bác cứ mang con cháu đến trạm y tế phường để tiêm vắc-xin phòng bệnh. Nói thẳng ra tiêm chủng mở rộng là một thành tựu của ngành y tế Việt Nam” - bà Tiến nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Luật Tổ chức HĐND, UBND đã quy định rõ vai trò của chính quyền địa phương. “Báo chí, người dân bức xúc thì chúng tôi sẽ phấn đấu cao hơn nữa để mà đưa ra những văn bản pháp luật lãnh đạo ngành phát triển hơn để phục vụ nhân dân. Trong tương lai, chắc chắn giảm tải. Bộ Y tế đã đấu tranh để xây dựng 2 bệnh viện mới là Nhi Đồng 1.000 giường và Ung Bướu 1.000 giường, thêm Bệnh viện Chợ Rẫy 2 và hàng loạt bệnh viện vệ tinh”.
Dân vi phạm ít, cán bộ vi phạm nhiều
Bức xúc về xây dựng trái phép, bà Phạm Thị Thanh - cử tri xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh - nói: “Cái này người dân vi phạm thì ít nhưng cán bộ vi phạm thì nhiều. Một công trình trái phép mọc lù lù lên đó thì không thể nào qua mắt được cán bộ”. Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM, nhấn mạnh: Vẫn còn thái độ quan liêu của cán bộ, nhất là cán bộ cấp dưới. Ngân sách hiện rất khó khăn và căng thẳng khi bội chi ngân sách tăng hằng năm mà toàn 20%-30% nên dẫn đến nợ công. Mà một trong những việc bội chi ngân sách là do chi thường xuyên cho bộ máy cán bộ công chức. “Phải làm sạch những cán bộ sa sút về đạo đức, hành dân” - ông Ngân khẳng định.
Bình luận (0)